×

Iklan

Trưởng lão HT. Thích Nhật Quang với ứng dụng Thiền Tịnh Mật, sách tấn trong mùa An cư

Thiện Thảo - 21.7.25 Last Updated 2025-07-21T09:22:53Z
    CHIA SẺ
Tin/Ảnh: Đức Tân 
PGĐT - Nhân khóa ACKH PL.2569, chiều 21/7/2025 (27/6/Ất Tỵ), Trưởng lão HT. Thích Nhật Quang - Thành viên HĐCM GHPGVN, Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Đồng Tháp, Trụ trì Tổ đình Long Phước, đã có chuyến thăm và sách tấn chư hành giả an cư tại trường hạ chùa Thiên Phước (xã Mỹ An Hưng, tỉnh Đồng Tháp ).


Trong không khí trang nghiêm và thanh tịnh của mùa An cư kiết hạ Phật lịch 2569, Trưởng lão HT. Thích Nhật Quang đã từ hòa chia sẻ với đại chúng pháp thoại về ý nghĩa sâu sắc của việc an cư.

Theo đó, Trưởng lão Hòa thượng khẳng định, pháp an cư là cơ hội quý báu để đại chúng Tăng hội tụ, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm tu học, sách tấn nhau trên bước đường trưởng dưỡng giới - định - tuệ, tam vô lậu học thiết yếu để làm nguội lạnh tham - sân - si. Hòa thượng nhắc lại lời dạy của Đức Phật trong Kinh Thánh Cầu: “Có hai việc mà vị Tỳ-kheo cần làm là đàm luận đạo pháp và giữ sự im lặng của bậc Thánh”, nhấn mạnh giá trị của sự tinh tấn nội tâm, sự thanh tịnh từ khẩu hành và sự định tĩnh trong tư duy.


Trưởng lão Hòa thượng nêu rõ, một người đệ tử xuất gia khi tự xưng là Tỳ-kheo thì không chỉ là hình tướng thọ giới, mà quan trọng hơn là phải thực sự đắc giới, giữ gìn giới pháp, tiến tu thiền định và đoạn trừ phiền não bằng trí tuệ. Khi ấy, danh xưng “Tỳ-kheo” mới thật sự xứng đáng, không phải là lời nói suông. Người tu hành phải có tâm tư nhất hướng, chí cầu giải thoát, như khúc gỗ xuôi dòng trôi về biển cả, không bị vướng mắc hai bờ vật chất và danh lợi, tâm phải duy nhất hướng đến Niết-bàn.


Từ đây, Trưởng lão Hòa thượng dẫn giải về ba pháp căn bản đưa đến sự chứng ngộ Thánh quả sơ quả: đoạn trừ thân kiến, giới cấm thủ và nghi hoặc. Người Tỳ-kheo chân chính là người không còn chấp thủ nơi bản ngã, không lầm chấp nghi lễ hình thức là cứu cánh và không còn hoài nghi về Tam bảo hay con đường tu tập. Khi đã đoạn trừ ba triền cái căn bản ấy, thì hành giả bước vào dòng Thánh quả, từ đó những khổ đau to lớn như núi Tu Di sẽ được dứt sạch, chỉ còn những phiền não vi tế như vài hạt sỏi nhỏ trong đời sống tu học.


Trưởng lão Hòa thượng đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố chánh tri kiến trong đời sống tu hành. Qua đó cảnh tỉnh đại chúng về hiện trạng một số hành giả rơi vào tâm lý an phận, sống trong vùng an toàn, thích nghi mà thiếu chí nguyện cầu giải thoát, đánh mất tinh thần xuất trần. Chính vì vậy, Hòa thượng khuyến tấn rằng người xuất gia phải có chí khí siêu phàm, không chỉ sống cho yên ổn, mà phải dõng mãnh cầu pháp, hướng thượng, vượt thoát vòng sinh tử, đạt đến vô thượng Niết-bàn.

Đối với những hành giả có chí hướng vươn lên, Trưởng lão HT. Thích Nhật Quang chia sẻ kinh nghiệm thực hành thiền định, từ sơ thiền cho đến tứ thiền. Trưởng lão Hòa thượng dạy rõ, phải thực hành chánh niệm qua hơi thở, thành tựu sơ thiền với tâm an trú, rồi tiến đến các tầng định sâu hơn. Chính nhờ tâm định ấy, hành giả mới thấy rõ bản chất sanh diệt của từng sát-na tâm thức, của từng suy nghĩ, cảm xúc để từ đó buông bỏ được giận hờn, ganh ghét, hơn thua, những phiền não vốn luôn âm ỉ trong nội tâm.


Bằng tuệ giác thâm sâu, Trưởng lão Hòa thượng khai thị tiến trình tu tập từ thiện giới đến giải thoát, dựa trên tiến trình tâm lý vi diệu: giới thanh tịnh đưa đến không hối tiếc; không hối tiếc đưa đến hân hoan; hân hoan đưa đến hỷ; hỷ đưa đến khinh an; khinh an đưa đến lạc; lạc đưa đến định; định đưa đến nhu nhuyến tâm, từ đó phát sinh tuệ minh sát, đoạn tận lậu hoặc, chấm dứt khổ đau.




Trước khi kết thúc thời pháp, Trưởng lão Hòa thượng ân cần nhắn nhủ chư hành giả phải luôn giữ tâm nhiệt thành, tha thiết trên bước đường tu học. Hãy học hỏi từ những bậc Thầy khả kính, bậc Thánh giả chân tu, để nương vào trí tuệ và kinh nghiệm của các Ngài, kết hợp với tâm suy tư và thể nghiệm cá nhân, từ đó phát khởi chánh tri kiến và định hướng rõ ràng trên con đường xuôi về Niết-bàn.