Notification

×

Iklan

Chùa Bửu Hưng (Lai Vung)

TT-TT - 6.9.15 Last Updated 2022-03-11T22:32:00Z
    CHIA SẺ
Chùa Bửu Hưng (thường gọi là chùa Cả Cát) tọa lạc tại xã Long Thắng, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam. Đây là một ngôi chùa cổ có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao, đã được công nhận là "Di tích quốc gia" vào ngày 3 tháng 8 năm 2007.



Vào khoảng nửa cuối thế kỷ 18, Thiền sư Nguyễn Đăng (? - ?) từ miền Trung đến đây dựng lên một thảo am thờ Phật. Không biết hành trạng của nhà sư. Tuy nhiên, căn cứ vào bài thơ ngũ ngôn khắc trên mộ của sư, thì có lẽ sư là người Thuận Hóa, đi đường bộ vào Nam (Vạn lý kinh đô biệt,..Dạ nguyệt độc chinh Nam), và tu theo pháp môn của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn (Tâm ấn-Phục Hoằng Mai).

Sau khi Thiền sư Nguyễn Đăng viên tịch, trên đường đi hoằng hóa, Thiền sư Tịnh Châu (? - ?) đến đây rồi ở lại tu tập. Sau đó, thảo am được trùng tu lớn hơn, nhưng cũng chỉ bằng cây lá đơn sơ. Trong thời kỳ của sư, có 10 vị tăng sĩ đến xin học đạo. Vì thế, để có chỗ cho họ tu học, sư đã cho dựng thêm tăng đường bằng cây lá ở phía tây, đồng thời còn cho đào ao chứa nước bên phía đông để tăng chúng dùng trong mùa hạn.

Năm 1803, Thiền sư Tiên Thiện Từ Lâm (1780-1859, thuộc phái Lâm Tế đời thứ 37), từ chùa Sắc Tứ Long Tuyền tự (năm 1830, đổi tên là Sắc tứ Linh Thứu tự) ở Thạnh Phú (Châu Thành, Tiền Giang) đến trụ trì. Cũng trong năm này, ngôi chùa được vua Gia Long phong là Sắc tứ Bửu Hương tự. Tương truyền, có lần (không rõ năm) bị quân Tây Sơn đánh đuổi, chúa Nguyễn Phúc Ánh (về sau là vua Gia Long) đã phải chạy vào chùa trú ẩn. Nhớ ơn, nên sau khi lên ngôi, chúa Nguyễn đã ban biển sắc tứ cho chùa, đồng thời phong cho sư Tiên Thiện Từ Lâm là Từ Dung hòa thượng. Sau đó, từng bước nhà sư đã cho xây dựng ngôi chùa đơn sơ thành một ngôi đại tự kiên cố bằng cây gỗ quý.

Mãi đến đời trụ trì thứ 8 là Đại sư Như Lý Thiên Trường (1887-1969), chùa lại được trùng tu lớn. Trong những năm 1909-1911, sư đã cho sửa sang Chánh điện, chạm trổ thêm bao lam Thần vọng, biển thờ, hoành phi, câu đối... Đồng thời, nhà sư cũng cho chỉnh sửa lại khu mộ tháp và trồng thêm cây cảnh, làm cho ngôi chùa thêm đẹp đẽ và uy nghiêm. Sau đó, sư giao chùa lại cho đệ tử là Nguyên Nghiêm Thiện Truyền (? - ?), rồi trở về tu ở chùa Bửu Lâm (nay thuộc phường 3, thành phố Mỹ Tho).
Trong kháng chiến chống Pháp, ngày 3 tháng 7 năm 1947, chùa bị máy bay Pháp đến ném bom làm hư hại rất nhiều, trong đó phần nhà Hậu Tổ bị sụp đổ hoàn toàn.

Năm 1950, tăng chúng góp công, góp của trùng tu các chỗ bị hư hại, dựng lại nhà Hậu Tổ, đồng thời thu gọn lại Đông lang và Tây lang.

Trụ trì chùa hiện nay (đời Trụ trì thứ 15, nhận nhiệm vụ từ năm 1993) là Thượng tọa Thích Minh Trí. Từ năm 1992 cho đến năm 2012, ngôi chùa đã được nhà sư cho trùng tu và dựng mới nhiều hạng mục khác, như lập Quan Âm đài (1990), dựng cổng Tam quan và xây tường nhà Hậu Tổ (1998), trùng tu lại chánh điện, san lấp mặt bằng quanh chùa và xây tường rào (2009), v.v....
Kiến trúc

Tượng Phật A Di Đà trong Chánh điện

Chùa Bửu Hưng hiện tọa lạc trong một khu vườn rộng, phía trước là một con rạch nhỏ. Chùa xây dựng theo kiểu chữ "tam" (三), ngang 15 m, dài 50 m, gồm Tiền đường, Chánh điện và nhà Hậu Tổ.

Tiền đường và Chánh điện nối liền nhau. Chánh điện gồm ba gian hai chái rộng lớn kiểu tứ trụ, có bao lam, Thần vọng chạm trổ tứ linh rất tinh xảo và công phu. Giữa Chánh điện là tượng Phật A Di Đà bằng gỗ cao 2,5 m do triều đình nhà Nguyễn gửi vào cúng dường năm Minh Mạng thứ 2 (1821).

Phía sau Chánh điện là một sân lộ thiên (sân thiên tỉnh) hình chữ khẩu (口), có hành lang hai bên (Đông lang, Tây lang) nối với nhà Hậu Tổ.

Trong vườn trúc cạnh chùa là khu tháp cổ. Đây là nơi an trí nhục thân của các nhà sư đã từng tu tập tại chùa. Bên ngoài lối vào khu tháp có đôi liễn chữ Hán Phiên âm:
như sau:
Bật thảo điêu tàn do vị tử
Đàm hoa lạc khứ hữu dư hương

Trong khu tháp, hiện vẫn còn ngôi tháp của Thiền sư Nguyễn Đăng (Tổ khai sơn chùa), tháp của Thiền sư Tịnh Châu (đời trụ trì thứ 2) và 10 ngôi Bảo đồng của 10 nhà sư đến tu vào thời của sư Tịnh Châu...


Tuy đã được sửa chữa lớn nhỏ nhiều lần, nhưng chùa Bửu Hưng vẫn còn giữ được diện mạo của lần đại trùng tu vào những năm 1909-1911.