Notification

×

Iklan

Ghé thăm ngôi chùa “nổi tiếng” vì một câu nói: Chùa Bà Đanh

TT-TT - 11.12.15 Last Updated 2022-04-18T08:07:32Z
    CHIA SẺ
PGĐT - Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã từng nghe một câu nói cửa miệng của bà con mình khi diễn tả một khung cảnh nào đó khá yên ắng: Vắng như chùa Bà Đanh! Rồi khi lớn lên, cũng thỉnh thoảng tôi lại nghe đến câu này, nhưng nói thật cũng chẳng biết chùa Bà Đanh ở đâu, và tại sao nó vắng?

Khi xuất gia, cũng có một vài lần Phật tử đặt câu hỏi này với tôi, tôi cũng gắng tìm cách trả lời cho thỏa mãn người hỏi, nhưng nói thật cũng mơ hồ vì mình sinh ra ở trong miền Nam.

Tháng rồi, tôi có dịp đến miền Bắc cùng một vài vị thầy nữa theo lời mời của một gia đình Phật tử tại Hà Nam. Những ngày tại đây, chúng tôi lại nghe nói đến chùa Bà Đanh, và đoàn chúng tôi nhất định phải đến để tìm hiểu ngôi chùa, vì sao lại nổi tiếng chỉ bằng một câu nói cửa miệng duy nhất như thế!


Trên chuyến xe khách, lòng vòng, khúc khủy, ngôi chùa cũng dần hiện ra trước mắt. Chùa Bà Đanh là tên gọi quen thuộc của người dân địa phương, cái tên chính thức của chùa là Bảo Sơn, thuộc thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.


Chùa được xây dựng quay mặt về hướng Tây Nam, một hướng tốt nếu xét về phong thủy theo quan niệm của người xưa; không thể nào mô tả được một nét đẹp nguyên sơ, cổ kính của ngôi chùa, chưa có sự “đô thị” hóa, chùa vẫn còn đó sự phảng phất trầm mặc theo kiểu Miền Bắc xưa, phong cảnh như một bức tranh thủy mộc, phía trước có con sông Đáy, dòng nước trong xanh không mấy chi vội vã chảy êm đềm giữa hai bên bờ cỏ tạp, ít có sự chi phối bởi con người. Cách bên kia dòng sông Đáy là dãy núi cao sừng sững uy nghiêm như một dãy thành trì ngăn chặn sự xâm nhập của vọng niệm. Cạnh bên trái của chùa từ phía trước nhìn vào là một “hòn núi” có tên Núi Ngọc, sở dĩ chúng tôi gọi hòn vì nhìn từ xa núi như một hòn non bộ mà các nghệ nhân thường tạo ra để trang trí cho các khu vườn của mình. 


Bao quanh núi này là vô số các loài cây cổ thụ xum xuê như một rừng cây cao mang hình cánh cung, trong rừng cây xanh thẳm ấy có cây si cổ thụ mà theo một người dân nói nó có hơn ngàn năm tuổi. Tất cả khung cảnh nơi đây thật là một vẻ đẹp uy nghiêm, u tịch; đầy thiền vị của triết lý Phật giáo mà hiếm khi được gặp nơi danh thắng nào khác.

Phía trong điện thờ được an vị rất nhiều tượng như Phật, Bồ Tát, Phật Mẫu, Thần, Hộ Pháp, và rất nhiều pháp khí, bia ký cổ xưa mang đậm nét của Phật giáo đại thừa như bao ngôi chùa khác trên vùng đất Bắc.

 

Mãi cứ ngắm cảnh chùa mà để tâm thẫn thờ, tôi mới chợt nhớ câu: vắng Như chùa bà Đanh - và tìm lời giải đáp.



Chúng tôi len theo bờ gạch tàu xưa để vào hậu điện, vì có liên hệ trước, nên Sư Thầy Nữ (theo cách gọi của Phật tử miền Bắc) Thích Đàm Đam cũng đã chờ đợi để tiếp chúng tôi như là những vị khách đặc biệt.

Theo Sư Thầy Đàm Đam - trụ trì chùa cho biết: ngôi chùa Bảo Sơn này được xây dựng rất lâu đời, ban đâu chỉ là mái tranh vách đất để thờ một vị Thần Nữ, nhằm phù hộ cho dân làng được mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bà có thể là một trong những hình tượng linh thiêng của Phật Mẫu Man Nương (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện-NV) một tín ngưỡng dân gian được xuất tích từ Phật Giáo thời mới du nhập đến Việt Nam. Dấu tích này được tiến sĩ Đỗ Huy Liêu ghi lại bằng chữ Hán vào ngày 15 tháng 11 năm Nhâm Ngọ (1918) hiện còn lưu giữ ở chùa.



Đến đời vua Lê Hy Tông (1676-1680) chùa mới được xây dựng lại và khang trang trầm mặc như ngày nay.

Vì chùa ban đầu lập nên để thờ Đức Bà (Phật Mẫu) và ở thôn Làng Đanh nên người địa phương hay gọi tắt là chùa Bà Đanh lâu đời mà thành danh. Vị trí chùa từ khi mới xây dựng cũng như hiện nay cách xa nhà các hộ dân khoảng 2km, với lại ngày xưa cây cối rậm rạp, và nhiều thú dữ nên người dân ngại đến chùa, ngay cả lúc chúng tôi đến ngoài đoàn chúng tôi ra, thì bên ngoaì đến tận trong chùa chỉ có một mình sư thầy trụ trì là người xuất gia, và hai vị Phật tử công quả, chính vì những lý do đó mà nhiều người hay sử dụng từ:Vắng Như chùa Bà Đanh là vậy.

Câu chuyện của chúng tôi cứ thế, trôi đi trong những hồi tưởng của Sư thầy trụ trì về những ngày tháng Sư thầy về đây, về những tháng năm ngôi chùa trải qua trong bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, của biến cố quê hương.


Ánh nắng chiều hiu hắt, còn đọng lại một chút vướng vấn trên mái ngói ngôi già lam, cũng là lúc chúng tôi phải từ biệt ngôi chùa nổi tiếng “chỉ bằng một câu nói” này. Tạm biệt Sư thầy, chúng tôi ra về mà không biết đến khi nào mới có dịp trở lại.

 LỆ NHẬT