Notification

×

Iklan

Chùa Tổ Bửu Lâm (Đồng Tháp), một di tích của phái Trúc Lâm phục hưng ở Nam bộ

Lệ Nhật - 8.5.16 Last Updated 2024-03-31T06:38:26Z
    CHIA SẺ
PGĐT - Chùa Bửu Lâm còn được gọi là chùa Tổ Cái Bèo, hiện nay thuộc ấp III, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Mặc dù bị chiến tranh tàn phá, đã qua nhiều lần trùng tu, nhưng chùa vẫn còn giữ được nét nghiêm trang cổ kính; với dạng chữ tam, gồm ba dãy nhà ngang nối tiếp nhau như các chùa cổ khác ở Nam bộ. Chùa còn lưu giữ được nhiều câu đối khoán thủ mang tên chùa, nội dung ca ngợi Phật pháp cao siêu... 

Trước khi bị chiến tranh tàn phá (1966), chùa Bửu Lâm có tất cả 7 nóc, xây cất bằng vật liệu nặng, gồm:


Chánh điện, nhà giảng và nhà tổ liền nhau với kích thưóc ngang 16m, dài 65m,
Đông lang, Tây lang, mỗi nhà có kích thứơc ngang 16m, dài 21m,
Nhà dưỡng tăng dài 14m, rộng 8 m,
Nhà trù dài 18 m, rộng 12 m.


Hiện nay, chùa chỉ còn lưu giữ một ít di vật, xưa nhứt có lẽ là bảo tháp và long vị của tổ khai sơn


Hiện nay, chùa chỉ còn lưu giữ một ít di vật, xưa nhứt có lẽ là bảo tháp và long vị của tổ khai sơn. Long vị ghi: ”Tế thượng Chánh tông tam thập tam thế húy Tánh Nhẫn, thượng Thiện hạ Châu, đường thượng Tổ sư giác linh chi vị.” 

Qua long vị và bảo tháp trên nhiều người cho rằng Bửu Lâm là một trong những ngôi chùa cổ ở đồng bằng sông Cửu Long, ra đời gắn bó với quá trình hình thành và phát triển của lịch sử địa phương, từ lịch sử khai hoang qua kháng chiến chống Pháp xâm lược Nam Kỳ đến kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ sau nầy. Chùa Bửu Lâm chẳng những là một di tích lịch sử-văn hóa, mà còn là một trung tâm truyền bá Phật giáo ở đồng bằng sông Cửu Long kế thừa và phát huy truyền thống gắn bó giữa đạo pháp và dân tộc của Phật giáo Việt Nam. 

1. Hành trạng của Tổ sáng lập và thời điểm ra đời của chùa Bửu Lâm

Qua nguồn tư liệu dân gian và tư liệu còn lưu giữ trong chùa kết hợp với tư liệu điền dã gần đây, chúng ta có thể tái hiện hành tung của Tổ Tánh Nhẫn-Thiên Châu. Tổ là người Trung Bộ, có thế danh là Nguyễn Văn Nhẫn, sanh năm Nhâm Tuất (1622) trong một gia đình nông dân nghèo, cha là Lê Pháp Như [1], mẹ là Nguyễn Thị Hà. Gia đình có hai con trai, người anh tên Nguyễn Văn Lăng. Khi trưởng thành, người anh theo lưu dân vào Nam lập nghiệp sinh sống, còn  Nguyễn Văn Nhẫn xuất gia tu học. 

Đến nay chưa biết Nguyễn Văn Nhẫn qui y với thiền sư nào. Song, pháp danh trên long vị ghi:“ húy Tánh Nhẫn, thượng Thiện hạ Châu” cho biết Tổ thuộc truyền thừa theo bài kệ 16 chữ của Trí Thắng-Bích Dung : 

“Trí Huệ Thanh Tịnh
Đạo Đức Viên Minh
Chân Như Tánh Hải
Tịch chiếu Phổ Thông.”

Đây là bài kệ mà phái Trúc Lâm Yên Tử dùng để truyền thừa. Theo đó, thì tổ Tánh Nhẫn là một thiền sư thuộc  phái Trúc Lâm phục hưng ở Đàng Trong vào thế kỷ XVII. 

Phái Trúc Lâm được xem như thất truyền từ khi nhà Trần mất ngôi (1400). Tuy nhiên, đến thế kỷ XVII, phái nầy lại xuất hiện ở Đàng Trong với các thiền sư Viên Cảnh-Lục Hồ, Viên Khoang-Đại Thâm và nhứt là thiền sư Minh Châu-Hương Hải. Thiền sư Minh Châu-Hương Hải vốn là một cử nhân Nho học, từng làm Tri phủ Triệu Phong, từ bỏ chức tước, ẩn tu ở núi Tiêm Bút La, trên cù lao Đại Lãnh, được chúa Hiền cho người đón về Phú Xuân và sau đó (khỏang 1667) cho lập Thiền Tịnh viện ở núi Qui Cảnh (cửa biển Tư Dung) để thiền sư hoằng hóa. Uy tín và đạo hạnh của thiền sư có ảnh hưởng lớn đối với triều đình, theo Kiến Văn tiểu lục của Lê Quý Đôn thì có đến hàng ngàn người trong hòang tộc và quan lại thọ giới với thiền sư.

Khoảng năm 1680, thiền sư Minh Châu-Hương Hải bị chúa Hiền Nguyễn Phước Tần (1648-1687) bắt giam vì bị nghi ngờ có quan hệ với chúa Trịnh ở Đàng Ngòai. Qua điều tra, xét thấy chưa đủ chứng cớ, nên được tha. Đến năm 1682, thiền sư Hương Hải cùng khỏang 50 đệ tử Trúc Lâm trốn ra Đàng Ngòai [2]. Biến cố nầy có tầm ảnh hưởng hết sức quan trọng đối với tình hình Phật giáo Đàng Trong sau nầy. 

Từ khi thiền sư Hương Hải ẩn dật ra Đàng Ngòai, các tăng sĩ phái Trúc Lâm phục hưng còn lại ở Đàng Trong hoặc phải mai danh ẩn tích hoặc phái trốn vào phía Nam. Điều nầy làm cho Đàng Trong lâm vào tình trạng thiếu tăng sĩ; trong khi phái Lâm Tế do thiền sư Trung Quốc, Nguyên Thiều truyền vào, chưa phát triển mạnh. Nên Tánh Đề-Đạo Nguyên thuộc phái Trúc Lâm, là huynh đệ, cùng đời với tổ Tánh Nhẫn, mới 28 tuổi, vì lý do nào đó được mời vào trụ trì chùa Thập Tháp (Bình Định) thuộc phái Lâm Tế, thay cho tổ sư Nguyên Thiều; khi tổ sư Nguyên Thiều được chúa Nguyễn mời ra hoằng hóa vùng đô thành Phú Xuân. Trong khi đó,  tổ Tánh Nhẫn-Thiện Châu lại phải trốn vào phía Nam cùng với hai đệ tử là Thiện ý và Thiện Tín. Đến Ninh Thuận (lúc bấy giờ thuộc phủ Diên Khánh, dinh Thái Khang mới lập vào năm 1653, lại đổi thành trấn Thuận Thành, sau khi chúa Nguyễn chiếm một phần của Chiêm Thành), một vùng đất mới, việc quản lý hành chánh còn lỏng lẻo; thầy trò sư Tánh Nhẫn trú ngụ, tu hành trong một hang đá hoang vắng trên núi Chà Bang (nay thuộc xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). Một thời gian sau, nơi đây trở thành chùa Trà Cang. Đến năm 1694 có cuộc nổi lọan của A Ban ngay trên đất Ninh Thuận. A Ban là người Hoa, kết hợp với Oc-nha Thát và Chế Vinh xúi dục người Chăm nổi đậy chống chúa Nguyễn [3] . Để tránh bị nghi ngờ, Tổ Tánh Nhẫn giao chùa cho đệ tử Thiện Tín ở lại trụ trì; còn Tổ cùng đệ tử Thiện ý tiếp tục lên đường vào Nam, tìm đến người anh ở b?  Nam sông Tiền. 

Lúc bấy giờ, vùng đất giữa sông Tiền và sông Hậu có tên gọi là Tầm Phong Long dù chưa thuộc chủ quyền của người Việt trên mặt pháp lý; song, trên thực tế đã có nhiều người Việt đến khai hoang lập nghiệp sống chung đụng với người bản địa Khmer và người Hoa nhập cư sau đó. Đến khi nội thuộc chủ quyền chúa Nguyễn (1757), phần đất nầy thuộc Đông Khẩu đạo (nằm trong dinh Long Hồ). Cuộc đất của ông Nguyễn Văn Lăng thuộc thôn Tân Đông, gần rạch Tân Đông. Rạch nầy có tục danh là Cái Bể Cạn, được sách Gia Định thành thông chí mô tã như sau: “Cái Bể Cạn thuộc thôn Tân Đông, ở bờ phía nam Tiền giang; rộng 26 tầm, sâu 9 thước, cách phía tây đạo Đông Khẩu hơn 8 dặm. Nơi đây ruộng khai thác nhiều, dân cư tụ đông, trước mắt có vũng bùn mới đóng dưới mặt nước, làm cái hộ sa cho miệng sông. Dài 4 dặm, bề ngang bằng nửa bề dài, khi nước lên ghe đi không thuộc đường thường hay bị mắc cạn, nên có tên là Bể Cạn. Từ miệng sông chảy vào nam 25 dặm đến sông Ngã Ba: ngã phía bắc chảy 14 dặm rưởi thông với mương Tân Khai (tục danh Mương Đào) rộng 9 tầm, sâu 9 thước, rồi chảy ra Tiền Giang;  ngã phía đông đến rạch Sa Nhân rồi hiệp lưu với sông Sa Đéc” [4]. Trong dân gian vẫn thường gọi là Cái Bè Cạn. Cuộc đo đạc địa chính năm 1836 cho thấy thôn Tân Đông ở xứ (xóm) Đông Hưng. Tứ cận: giáp phía bắc với sông Tiền, phía nam giáp hai thôn Tân Khánh và Tân Qui Đông, phía đông giáp thôn Tân Qui Đông (tổng An Hội), phia tây giáp Tân Khánh Tây. Diện tích có trên 925 mẩu ta là thôn có khá nhiều ruộng đất trong tổng An Thạnh của huyện Vĩnh An với 141 sở đất ruộng của 129 chủ đất (không kể các lọai đất khác. Trong đó có đất của ông Nguyễn Văn Lăng [5]

Tổ Tánh Nhẫn dừng chân ở Tân Đông, dựng một cái am cạnh một lạch nước nhỏ trên đất của anh mình để tu hành (nay thuộc ấp Đông Quới, xã Tân Khánh Đông, thị xã Sađec); lạch nước nầy nay vẫn còn được gọi là Mương Chùa.  Sau một thời gian, nhận thấy nơi đây không  cơ duyên cho việc tu hành, nên Tổ xuống bè phát nguyện: để bè trôi tự nhiên, nếu bè tấp vào nơi nào đó mà xô bè ra ba lần mà bè vẫn tắp vào chỗ cũ, thì sẽ dừng chân tu hành ở đó. Dân gian kể rằng Tổ thả bè trong một đêm tháng sáu tại rạch Vinh, có gió Nam thổi mạnh, bè trôi qua bờ phía bắc vào ngọn rạch Cái Bảy, rồi vào rạch Cái Bèo. Cuối cùng Tổ dừng tích trượng ở bìa rừng mây cạnh một con rạch nhỏ quanh co, gần rạch Cái Bèo, cách xa xóm Thới Bình (sau nầy trở thành thôn Bình Hàng Trung) dựng am tre lá để tu hành, về sau biến thành chùa Bửu Lâm lưu truyền đến ngày nay. ẫn tu nơi núi rừng hoang vắng, khi đạt thành chính quả lại xuống núi, nhập thế, hòa mình vào cuộc sống chúng sinh để hoằng dương Phật pháp, cứu độ bá tánh...của tổ Thiện Châu đúng là phương pháp hành đạo của phái Trúc Lâm. Những câu chuyện trong dân gian về việc Tổ thường dùng thuốc kết hợp với phù chú để trị bịnh cứu dân và dùng một số thủ thuật thần thông khác như để sang sông bằng nón lá, bằng bè không cần chèo chống, để  thu phục thú dữ nơi núi rừng...Đó chẳng qua là Tổ vận dụng pháp môn mật tông, giống như phái thiền ở Đại Việt thời Lý Trần. 

Tổ Tánh Nhẫn rời chùa Trà Cang (Ninh Thuận) vào đồng bằng sông Cửu Long sau cuộc nổi dậy của A Ban (1694) và viên tịch vào ngày rằm tháng hai năm giáp ngọ, nhằm năm 1714, thọ 92 tuổi [6]. Như vậy thời điểm ra đời của chùa Bửu Lâm có thể là vào những năm cuối của thế kỷ XVII hoặc đầu thế kỷ XVIII, tức là trong khỏan từ 1694 đến 1714 [7]. Đó cũng là thời điểm có nhiều lưu dân người Việt vào đây khai hoang lập cuộc sống mới. Từ khi ra đời đến nay, chùa trải qua nhiều bước thăng trầm, gắn liền với lịch sử khai hoang, đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân địa phương, để tiện theo dõi quá trình nầy, tạm chia ra hai giai đoạn. 


2. Hai giai đọan phát triển của chùa Bửu Lâm
2.1. Giai đọan trước khi thiền sư Minh Thông-Hải Huệ về trụ trì (cuối thế kỷ XVII đến 1876).Trong những năm đầu, tổ  cùng với đệ tử là Hải Nguyện-Thiện ý và hai anh em Trần Văn Nam, Trần Văn Biền [8] là cư sĩ lo khai hoang phá rừng lập ruộng, vào rừng cắt mây, đốn tre về thắt, đương (đan) thúng rổ, rá, rế, gióng... mang đi bán, để tự nuôi sống và xây dựng chùa. Dù cuộc sống vất vả thiếu thốn, nhưng nghe ở đâu có người bịnh thì tổ thân hành đến tận nơi cứu chửa; qua đó tổ khuyên bảo mọi người làm lành lánh dữ và truyền tam quy ngũ giới... Cách trị bịnh của tổ thường kết hợp thuốc với phù chú  theo phép “trì chú đại bi chuẫn đề” của pháp môn mật tông. Tổ còn giúp dân xua đuổi, tiêu trừ thú dữ tạo điều kiện cho họ khai hoang lập nghiệp ở vùng đất mới. Đạo hạnh của tổ ngày càng lan xa...nhiều người đến quy y, tình nguyện làm công quả, tiếp tay với hai đệ tử cư sĩ khai hoang biến khu rừng chung quanh chùa thành ruộng vườn. 

Qua công việc dùng mây thắt đồ vật hàng ngày, tổ nảy ra ý dùng mây kết làm cột chùa và thắt cốt tượng Phật rồi lấy cỏ tranh khô trộn bùn đắp bên ngòai, cuối cùng áo lên nhiều lớp sơn. Thế là chùa có được 9 tượng Phật đầu tiên làm bằng mây là các tượng: A Di Đà,  Quan Thế âm, Hộ Pháp, Tiêu Diện, Thế Chí, Già Lam, Ngọc Hòang, ông Thiện, ông ác. Các tượng nầy được sử dụng đến năm 1968 (tức là trên 250 năm) thì bị lính Sư đòan 9 Mỹ đập phá . 

Lần hồi đất đai thuần thục, việc canh tác có kết quả khá hơn, được sự ủng hộ của bá tánh; am tre lá được thay thế bằng ngôi chùa khang trang và được tổ chánh thức đặt tên là Bửu Lâm. Chùa ra đời trong buổi đầu thời khai hoang trên vùng đất mới, cư dân còn thưa thớt, lại tập trung vào công việc phá rừng làm ruộng; nên tổ Tánh Nhẫn cũng họat động thích nghi với hòan cảnh, chủ yếu vào việc chữa bịnh cứu dân, tạo điều kiện cho họ khai hoang thuận lợi... qua đó truyền đạt giáo lý sơ đẳng của nhà Phật nhằm răn dạy chúng sinh điều thiện ác hơn là đào tạo một số tăng sĩ thừa kế. Vì vậy, ngòai Hải Nguyên-Thiện ý tổ Thiện Châu không có đệ tử nào khác. 

Sau khi tổ Thiện Châu viên tịch (1714), đệ tử duy nhứt là Hải Nguyện-Thiện Ý kế thế trụ trì. Hiện nay ngòai long vị và ngôi bảo tháp thứ hai nằm bên trái chùa, không còn tư liệu gì liên quan đến vị nầy. Theo truyền ngôn, thì sư Thiện Ý viên tịch lúc 80 tuổi. Giả dụ rằng, sư Thiện Ý xuất gia quy y từ nhỏ, lúc theo sư phụ (tổ Thiện Châu) vào phía Nam đến Ninh Thuận vào độ trên 10 tuổi, rồi sau đó vào Nam bộ, thì đến khi tổ Thiện Châu viên tịch (năm 1714) sư Thiện Ý cũng gần 40 tuổi. Như vậy, sư Thiện Ý trụ trì chùa khỏang 40 năm và viên tịch vào thời chúa Võ Vương Nguyễn Phước Khóat (1738-1765). Hiện long vị của ông ở hậu tổ ghi rõ là: “Lâm Tế Chánh tông, tam thập tứ thế, húy Hải Nguyện thượng Thiện hạ ý, đại sư giác linh tọa vị”. 

Bảo tháp thứ hai (từ cổng chùa nhìn vào trái sang phải) lưu giữ tro nhục thể của ba vị, ngoài tro của sư Thiện ý còn có tro của hai hòa thượng Lâm Tế thuộc đời 35 và 36. Long vị của hòa thượng thuộc đời 35 đã thất lạc trong chiến tranh, nên hiện nay chưa rõ danh tánh và thời gian trụ trì của vị nầy. Còn vị thuộc đời 36, do có long vị của thiền sư Tổ ấn-Mật Hoằng cũng thuộc đời 36, nên cho rằng thiền sư Mật Hoằng có trụ trì chùa Bửu Lâm và viên tịch tại đây. Điều này là một sự nhầm lẫn. Thiền sư Mật Hoằng là một tăng cang từng trụ trì nhiều chùa lớn ở Đồng Nai, Bình Định, Huế...,chùa sau cùng thiền sư trụ trì là Quốc ân (Huế) và viên tịch tại đây; hiện còn tháp ở phía sau chùa, bia tháp ghi: ”Sắc tứ Thiên Mụ tự trụ trì, Mật Hoằng đại lão hòa thượng chi tháp”. Long vị thờ tại chùa Quốc ân ghi: “Sắc tứ Thiên Mụ tự trụ trì, trùng kiến Quốc ân, Lâm Tế chánh tông tam thập lục thế, húy Tổ ấn thượng Mật hạ Hoằng lão hòa thượng mạo tọa”. 

Thiền sư Mật Hoằng là hòa thượng có nhiều công đức, đào tạo nhiều đệ tử nổi tiếng; nên long vị của thiền sư được thờ ở nhiều chùa trong nước, nhứt là ở Đàng Trong. Do đó, sự hiện diện của long vị của thiền sư ở chùa Bửu Lâm nằm trong ý nghĩa nầy, chớ không phải là do thiền sư có trụ trì chùa. Hơn nữa, thiền sư Mật Hoằng còn là sư phụ của hòa thượng Tiên Giác-Hải Tịnh, một hòa thượng nổi tiếng ở Nam Kỳ, tức là sư ông của hòa thượng Hải Huệ, nên thiền sư được thờ phượng ở chùa Bửu Lâm là lẽ đương nhiên. Do đó, hòa thượng đời thứ 36 là một vị khác chớ không phải là thiền sư Mật Hoằng. Như vậy, đến nay chùa Bửu Lâm có hai hòa thượng chưa được biết danh tánh thuộc đời 35 và 36. 

Có lẽ, do không có đệ tử truyền thừa, nên sau khi hòa thượng đời thứ 36 viên tịch, hòa thượng Tiên Kiện- Từ Tâm (1780-1859), Lâm  Tế chánh tông đời thứ 37, trụ trì chùa Chúc Thọ (tục danh là chùa Thủ Huồng) ở cù lao Phố, nay thuộc xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai; được mời về trụ trì chùa Bửu Lâm. Hòa thượng Từ Tâm là một trong bốn đệ tử nổi danh của thiền sư Tổ Chơn- Phước Quang trụ trì chùa Phước Tường ở Thủ Đức ( ấp Tăng Phú, xã Tăng Nhơn Phú). Sau đó hòa thượng Từ Tâm trở về chùa Chúc Thọ giao chùa lại cho yết ma Minh Chức-Huệ Thức, Lâm Tế chánh tông đời thứ 38 (dân gian gọi là sư Thức) trụ trì. Sau khi sư Thức viên tịch, chùa không có đệ tử thừa kế trụ trì. Tăng chúng và hương chức làng mời hòa thượng Minh Huyền-Chơn Giác và Minh Giám-Bửu Chơn về kế tiếp trụ trì. Cả hai hòa thượng Chơn Giác và Bửu Chơn đều thuộc đời thứ 38 phái Lâm tế và đã cùng hòa thượng Hải Huệ cầu pháp với thiền sư Tiên Giác-Hải Tịnh; thiền sư Hải Tịnh, như chúng ta biết, là một đại sư nổi tiếng, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển Phật giáo ở Đàng Trong, được triều đình Huế mời làm tăng cang, thống lãnh giáo đồ cả nước; lại là một nhà sư yêu nước, có tinh thần dân tộc rất cao. Từ khi thực dân Pháp chiếm ba tỉnh miền đông Nam Kỳ, ngài có những họat động gắn bó với các phong trào kháng chiến. Có lẽ do chính điều nầy mà chùa Bửu Lâm, một chùa do thiền sư phái thiền Trúc Lâm-Yên Tử  sáng lập ở Nam bộ, đã kế thừa và phát huy được truyền thống gắn bó giữa đạo pháp và dân tộc của đạo Phật Việt Nam từ thời Lý Trần. Truyền thống quý bâu nầy của chùa được nâng cao hơn một bước kể từ khi thiền sư Minh Thông-Hải Huệ về hoằng hóa ở đồng bằng sông Cửu Long. 

2.2. Giai đọan từ khi thiền sư Minh Thông-Hải Huệ về trụ trì đến nay.

Hiện nay chưa biết rõ lai lịch và thế danh của thiền sư Minh Thông-Hải Huệ (1815-1907),

Theo một số hòa thượng cao niên thì thiền sư Hải Huệ là người miền Trung, vốn là một quan thái giám triều Nguyễn từ quan vào Đồng Nai thọ giáo với thiền sư Tiên Bổn-Tịnh Căn ở chùa Đại Giác, trên cù lao Phố (nay thuộc xã Hiệp Hòa thành phố Biên Hòa. Sau một thời gian kiên trì tu học, sư Hải Huệ sớm trở thành một tăng sĩ tài đức và được cử về trụ trì chùa Kim Cang ở Bình Thảo (Đồng Nai). Về sau, sư Hải Huệ cầu pháp với thiền sư Tiên Giác-Hải Tịnh cũng là đệ tử đời thứ 37 của thiền sư Mật Hoằng như hòa thượng Tịnh Căn. 

Trong thời gian trụ trì chùa Kim Cang, thiền sư Hải Huệ thường xuyên vân du hoằng hóa ở đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất mới, nơi bá tánh vừa trãi qua một cuộc binh lữa do thực dân Pháp xđm lược tạo nên và đang sống dưới sự thống trị của chúng; rất cần có chỗ nương tựa tinh thần. Tương truyền, sau khi sư Thức viên tịch, chùa Bửu Lâm không người trụ trì là lúc ghe của thiền sư đang đậu ở rạch Cái Bảy. Hương chức làng Bình Hàng Trung mời thiền sư về trụ trì chùa Bửu Lâm. 

Hiện nay, ở chùa Bửu Lâm, ngòai long vị còn có một số di tích, hiện vật liên quan đến thiền sư. Vị trí chùa hiện thời của chùa là do thiền sư Hải Huệ chủ trương dời chùa về phía bắc cách xa bờ rạch tạo một khỏang không gian rộng trước chùa. Ngày 27 tháng 6 năm Nhâm Dần (tức ngày 31-7-1902), thiền sư chứng minh kiến tạo đại hồng chung cho chùa, trên chuông có dòng chữ: “Phong Nẫm tổng, Bình Hàng Trung thôn, Bửu Lâm tự, Hải Huệ đại lão hòa thượng thiền tăng chứng minh. Nhâm Dần niên, lục ngọat nhị thập thất nhựt kết tạo hồng chung”. Thiền sư viên tịch vào ngày mùng 4 tháng 8 năm Đinh Mùi (tức ngày 11-9- 1907), thọ 92 tuổi, bảo tháp được lập phía trái trước chùa (ngôi thứ ba). Tháp hình lục giác, cao ba tầng trên đỉnh là bầu hồ lô; tháp được xây đơn giản nhưng mỹ thuật và cổ kính, bia tháp ghi: “Từ Lâm Tế chánh tông, tam thập bát thế, húy Minh Thông-Hải Huệ giác linh, thọ cửu thập linh nhị thế, giới hạnh viên tu...”

Nếu tổ Thiện Châu là người có công khai sơn chùa Bửu Lâm, một cơ sở Phật giáo thiền tông đầu tiên, làm nền móng cho việc phát triển Phật giáo ở đồng bằng sông Cửu Long, thì thiền sư Hải Huệ là người có công biến chùa Bửu Lâm thành một trung tâm truyền bá Phật pháp trong vùng; chính thiền sư cùng các đệ tử và pháp tôn đã xây dựng hoặc hoằng hóa nhiều chùa ở vùng đất mới nầy và chính vi thế nên chùa được gọi là chùa Tổ. 

Đồng thời với việc trụ trì chùa Bửu Lâm, thiền sư Hải Huệ còn khai sơn một số chùa khác là Thiên Phước, Linh Thứu ở Hội An Đông (Lấp Vò, Đồng Tháp), Linh Quang ở xã Long Hòa (Bình Thủy), Phước An ở Thới An Đông (Cần Thơ). Với ý định hoằng dương Phật pháp sâu rộng, thiền sư Hải Huệ thu nạp nhiều đệ tử; song do thiền sư ít có mặt thường xuyên ở Bửu Lâm, nên có một số đệ tử được gởi cho hòa thượng Minh Hòa-Hoan Hỷ, trụ trì chùa Long Thạnh ở Bà Hom (nay thuộc huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh) dạy dỗ.

Thiền sư Hải Huệ có nhiều đệ tử nổi danh như: Như Thập-Chánh Trí,  Như Giới-Châu Viên, Như Khả-Chơn Truyền, Như Ngọc-Viên Thông, Như Trí-Huệ Nhẩn (1858-1913), Như Định- Quảng Huệ, Như Hồng-Quốc ân, Như Minh-Hoằng Quang, Như Linh-Hoằng Đức, Như Liễn-Phổ Lý...Chính các vị nầy đã khai sơn hoặc trụ trì nhiều chùa ở đồng bằng sông Cửu Long như chùa Kim Quang (Lâm Vồ), Hòa Long, Hội Khánh ở Cao Lãnh; chùa Phước Hưng ở thị xã Sa Đéc, Linh Phước (Đạo Trợ) ở Châu Thành; chùa An Thạnh (Cái Đầm) ở Phú Tân, An Giang; Nam An ở Châu Thành, An Giang; Quảng Tế ở thành phố Long Xuyên; chùa Thập Phương ở Rạch Giá; Long Phước ở Bạc Liêu...

Như Liễn-Phổ Lý (1868-1948), được chọn làm trụ trì chùa Bửu Lâm sau khi thiền sư Hải Huệ viên tịch. Thế danh của hòa thượng Phổ Lý là Nguyễn Văn Tròn, người làng Bình Hàng Trung, quận Cao Lãnh (tỉnh Sa Đéc), sanh năm mậu thìn (1868), xuất gia thọ giáo với thiền sư Hải Huệ tại chùa Bửu Lâm từ thuở cũn nhỏ; ngòai học Phật, sư Phổ Lý còn được  thiền sư Hải Huệ truyền dạy võ nghệ. Dù không phải là trưởng tử, nhưng do có đạo hạnh cao và năng lực uyên bác nên sư Phổ Lý được chọn ủy thác kế thế trụ trì chùa tổ. Dáng dấp chùa Bửu Lâm còn đến ngày nay là phần công lao xây dựng của hòa thượng Phổ Lý. 

Ngoài việc hoằng hóa, đào tạo đệ tử; hòa thượng còn  quan tâm đến sự thịnh suy, phát triển của Phật giáo ở Nam Kỳ. Phật giáo Nam Kỳ ở vào hai thập kỷ đầu của thế kỷ XX lâm vào tình trạng “Phật pháp suy đồi, tăng đồ thất học và không đòan kết”. Nên hòa thượng Như Trí-Khánh Hòa, chùa Tuyên Linh (Bến Tre), người mở đầu phong trào chấn hưng Phật giáo  chủ trương phải thực hành ba việc lớn là chỉnh đốn tăng già, kiến lập học Phật đường và diễn dịch, xuất bản kinh sách bằng chữ Việt. Hòa thượng Phổ Lý tích cực tham gia phong trào. 

Sự quan tâm sâu sắc của hòa thượng Phổ Lý về Phật pháp, đã được hòa thượng Khánh Hòa nhắc lại trong bài “Tự trần” đăng trên báo Pháp âm: “... Bấy giờ có hòa thượng ở chùa Bảo Lâm, Cái Bè, Sadec, (Cái Bèo ngày nay) động chút thương tâm, buộc thầy phải đôi dòng tầm tã” [9].

Hòa thượng Phổ Lý đã tham gia và đóng vai trò quan trọng trong phong trào bên cạnh hòa thượng Khánh Hòa, giáo thọ Thiện Chiếu. Năm 1929, trong khi hòa thượng Khánh Hòa đích thân đi vận động hầu hết các chùa lớn ở Nam Kỳ tham gia phong trào; thì hòa thượng Phổ Lý theo phái đòan do giáo thọ Thiện Chiếu hướng dẫn ra miền Trung và miền Bắc vận động. Cũng trong dịp nầy, hòa thượng Phổ Lý tìm ra tông tích của tổ Tánh Nhẫn. Để cho phong trào chấn hưng Phật giáo họat động có hiệu quả, Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật học được thành lập nhằm tập hợp các tăng sĩ tha thiết với tiền đồ Phật giáo nước nhà; hòa thượng Phổ Lý là một trong các vị hăng hái tham gia đầu tiên . 

Hòa thượng Phổ Lý viên tịch vào đầu năm 1948. Hòa thượng có nhiều đệ tử là Hồng Liên-Quảng Trí, Hồng Trí-Đạo Nguyên, Hồng Phước-Chơn Châu, Hồng Thanh-Thiện Tài, Hồng ân-Thiện Thọ, Thiện Quang, Hồng Bích-Vĩnh Tràng...

Căn cứ vào long vị đang thờ ở hậu tổ và bảo tháp hiện diện chung quanh chùa, có thể phát họa phổ hệ truyền thừa chùa Bửu Lâm như sau: 

Phổ hệ truyền thừa chùa Bửu Lâm
Tánh Nhẫn-Thiện Châu (1622-1714), Tế thượng chánh tông, đời thứ  33, Hải Nguyện-Thiện ý, (1674-1754) Lâm Tế chánh tông, đời thứ 34, (Có bảo tháp, thuộc đời thứ 35, chưa rõ pháp danh, long vị bị thất lạc năm 1968), (Có bảo tháp, thuộc đời thứ 36, chưa rõ pháp danh, long vị bị thất lạc năm 1968), Tiên Kiện -Từ Tâm (1780-1859), Lâm Tế chánh tông, đời thứ 37, Minh Giám -Bửu Chơn, Lâm Tế chánh tông, đời thứ 38, Minh Chức-Huệ Thức, Lâm Tế chánh tông, đời thứ 38, Minh Huyền-Chơn Giác, Lâm Tế chánh tông, đời thứ 38, Minh Thông -Hải Huệ (1815-1907), Lâm tế chánh tông đời thứ 38, Như Liển-Phổ Lý (1868-1948), Lâm Tế chánh tông, đời thứ 39 Hồng Thanh-Thiện Tài(1913-1985), Lâm Tế chánh tông, đời thứ 40, Nhựt Quang-Chơn Hỷ (1919-1989), Lâm Tế chánh tông, đời thứ 41. 

Chùa Bửu Lâm được khai sơn bởi một thiền sư của phái thiền Trúc Lâm-Yên Tử, một tông phái Phật giáo chủ trương nhập thế, xem việc gắn bó giữa đạo pháp và dân tộc là chuẫn mực của Phật pháp, được hình thành trong thời nhà Lý và phát triển mạnh dưới thời nhà Trần. Quan điểm triết lý này đã được các đệ tử của thiền sư Tiên Giác-Hải Tịnh là Minh Chức-Huệ Thức, Minh Huyền-Chơn Giác, Minh Giám-Bửu Chơn và đặc biệt là Minh Thông-Hải Huệ khi trụ trì, hoằng hóa chùa Bửu Lâm tiếp tục phát huy nhứt là từ lúc Thiên hộ Võ Duy Dương về lập căn cứ chống thực dân Pháp ở Đồng Tháp Mười (1864-1866) sau khi chúng chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Truyền thống tốt đẹp này lại được phát triển mạnh dưới thời hòa thượng Phổ Lý trụ trì chùa và mãi về sau này.

3.1. Chùa Bửu Lâm trong buổi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. 
Khi công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra, nhứt là khi Thiên hộ Võ duy Dương chọn Tháp Mười làm căn cứ (tháng 8 năm 1864). Chùa Bửu Lâm chỉ cách căn cứ 20km đường chim bay, lại nằm gần bên con đường gạo huyết mạch của nghĩa quân từ vàm Cần Lố vào Gò Tháp. Chùa Bửu Lâm trở thành trạm liên lạc, đi lại, trú đóng, tập kết lương thực... của nghĩa quân. Nhứt là toán nghĩa quân của Nguyễn Văn Biểu. Nguyễn Văn Biểu là người địa phương, nhà gần chùa, am tường đường đi lại, giỏi võ nghệ, được Thiên hộ Dương giao trọng trách phòng vệ; được mọi người quen gọi là Phòng Biểu [10]

Trước sự thúc bách của thực dân Pháp về việc giải giáp nghĩa quân để thi hành hòa ước 1862, Kinh lược sứ Nam Kỳ Phan Thanh Giản phải ra lịnh cho quản cơ An Giang Trần Văn Thành mang quân vào Đồng Tháp Mười truy nã Thiên Hộ Dương. Nhưng Trần Văn Thành là người yêu nước quyết tâm chống giặc, lại là đại đệ tử của Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên, người sáng lập đạo Bưủ Sơn Kỳ Hương, là đệ tử của Thiền sư Tiên Giác Hải Tịnh; tức là huynh đệ với các nhà sư đang trụ trì chùa Bửu Lâm. Nên khi được lệnh, thay vì mang quân đi đàn áp, quản cơ Thành chỉ cùng vài binh sĩ cởi ghe hầu xuôi Tiền Giang vào Cần Lố đến chùa Bửu Lâm vấn kế các sư thúc bá về sứ mạng khó khăn của mình, rồi mới vào Gò Tháp hiến kế “yếm kỳ tức cổ”  (giấu cờ, im trống) cho Thiên Hộ Dương [11]

Sau khi căn cứ Tháp Mười bị triệt hạ, Nguyễn Văn Biểu về làng sinh sống, nhưng vẫn tin tưởng vào sức quật khởi của dân tộc, ông thường cùng thiền sư Hải Huệ mưu toan đại cuộc. Hai ông tuyển chọn thanh niên và tăng sĩ trong chùa, đêm đêm truyền dạy võ nghệ cho họ để chờ đợi thời cơ. Trong đó có tăng sĩ Nguyễn Văn Tròn, pháp danh Như Liễn Phổ Lý. Năm 1912, Phổ Lý trở thành trụ trì chùa. Trong phong trào chấn hưng Phật giáo, chùa Bửu Lâm qua sư Phổ Lý cùng một số chùa khác ở Cao Lãnh, Sa Đéc, đóng vai trò nhứt định trong phong trào. Vì thế, cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc thỉnh thoảnng đến chùa cùng sư Phổ Lý đàm đạo về đạo pháp và dân tộc [12].  

3.2. Chùa Bửu Lâm trong cách mạng tháng Tám năm 1945 và cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954).

Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, hòa với phong trào cách mạng địa phương ngày một lên cao, nhứt là phong trào tự võ trang, sư Phổ Lý quy tụ một số võ sĩ vốn là học trò của Phòng Biểu và Thiền sư Hải Huệ ngày trước, tập trung thanh niên tin cậy vào Sình Lớn, thuộc làng Mỹ Thành (nay thuộc xã Tân Hội Trung) luyện tập võ nghệ chờ ngày khởi nghĩa. 

Mờ sáng ngày 25-8-1945, hàng ngàn đồng bào trang bị mọi thứ võ khí kéo về quận lỵ Cao Lãnh giành chánh quyền, trong đó có nhiều đồng bào xuất phát từ chùa Bửu Lâm do sư Phổ Lý cho đánh trống mõ tập trung. Dù đã 77 tuổi, nhưng nhà sư vẫn hăng hái cùng đồng bào Phật tử đi bộ về Cao Lãnh. Trong buổi mớt tinh vào chiều cùng ngày, sư Phổ Lý, đại diện cho giới Phật giáo địa phương phát biểu ý kiến, kêu gọi đồng bào Phật tử đòan kết trong mặt trận Việt Minh quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng vừa đạt được. Quá xúc động trước thành tựu to lớn của dân tộc, nhà sư đã nghẹn ngào rơi lệ khi phát biểu. 

Bước vào kháng chiến chống Pháp, chùa Bửu Lâm là nơi dừng chân, trú ngụ của nhiều đơn vị, cơ quan của huyện, tỉnh và Nam bộ; đặc biệt là tờ báo Tinh Tấn, co quan ngôn luận của Hội Phật Giáo Cứu quốc Nam bộ do sư Tam Không (hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm chủ nhiệm, giáo sư Lê Văn Đông làm chủ bút). Chùa Ô Môi (nay Mỹ Đông, Tháp Mười ), nơi đóng trụ sở trung ương hội, nhỏ hẹp; nên khi có hội nghị đông người hoặc lớp học tập dài ngày đều được tổ chức tại chùa Bửu Lâm [13].

Hoà thượng Phổ Lý còn vận động đồng bào Phật tử tham gia “tuần lẽ vàng”, riêng chùa ủng hộ 300 giạ lúa để nuôi quân, một đại hồng chung, bốn chuông, mười lư... đồng... cho công binh xưởng tỉnh làm nguyên liệu chế vũ khí. Hòa thượng đồng ý cho Chi đội Trần Phú (Hải Ngọai IV) sử dụng chùa làm nơi tuyển quân và cho phép hai tu sĩ của chùa gia nhập bộ đội. Chùa còn là nơi diễn ra nhiều cuộc hội họp, các lớp huấn luyện... của huyện, tỉnh và cả khu. Cuối năm 1947, sức khỏe hòa thượng Phổ Lý suy yếu, hòa thượng Thiện Tài, lúc bấy giờ là đảng viên đảng Cộng Sản họat động bí mật, lên thay. Năm 1948, đồng chí Phạm Hữu Lầu sau khi được điều lên phụ trách phó bí thư Trung ương cục miền Nam, trên đường về địa phương công tác, thường trú ngụ trong chùa. 

Từ giữa năm 1948 đến năm 1952, chùa là nơi diễn ra các cuộc hội họp của nhân sĩ, trí thức yêu nước do Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt tổ chức. Trong cuộc càn quét qui mô của giặc Pháp ngày 2-6-1949 do tên tướng de Latoure chỉ huy với 5 mũi tiến công vào Đồng Tháp Mười, chúng cho phi cơ oanh tạc ác liệt vào khu vực chùa Bửu Lâm, làm chùa bị hư hại nặng (14). Trong khoảng thời gian này, giặc Pháp  triệt để khai thác mâu thuẫn giữa Việt Minh và Hòa Hảo để phá hoại tinh thần đoàn kết kháng chiến của nhân dân ta. Chúng dùng quân đội của giáo phái Hòa Hảo liên tục tấn công, pháo kích bừa bãi vào khu vực chùa, hầu thực hiện âm mưu xua đuổi tu sĩ, đồng bào Phật tử ra khỏi khu vực chùa để cách ly quần chúng với cách mạng. Nhưng chúng hòan toàn thất bại trước tinh thần yêu nước của tu sĩ và đồng bào, kiên trì bám trụ. Riêng hòa thượng Thiện Tài cho đốn cây dương cổ thụ gần 200 tuổi, cao vút trước chùa mà giặc thường dùng làm mục tiêu pháo kích. 

Trước khi hiệp định Genève (1954) ký kết, Hội Liên Việt mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ tôn giáo vận tại chùa. Sau khi hiệp định ra đời, Cao Lãnh trở thành khu vực tập kết của cán bộ chiến sĩ khu VIII trong 100 ngày, chùa là nơi tập trung cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đến học tập về việc thi hành hiệp định suốt hơn tuần lễ. Hàng mấy trăm lượt người tham dự đều được chùa đài thọ cơm nước. 

3.3. Chùa Bửu Lâm trong thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ xđm lược (1954-1975).

Do vị trí và điạ thế và nhứt là truyền thống gắn bó với công cuộc kháng chiến trong thời gian qua, nên trong thời kỳ điều lắng, chùa trở thành nơi trú ẩn, nuôi chứa cán bộ, chiến sĩ...dưới sự che chở bảo vệ của hòa thượng Thiện Tài, tu sĩ và đồng bào Phật tử quanh vùng. Xuất phát từ lòng yêu nước, lợi dụng thế hợp pháp và quan hệ rộng rãi, bất chấp luật 10/59, hòa thượng Thiện Tài cho cán bô, chiến sĩ đào nhiều hầm bí mật trong khuôn viên, dưới chân một số bảo tháp và ngay cả trong chùa. 

Ngoài số lượt cán bộ, chiến sĩ của xã, huyện, tỉnh thường xuyên đi đi về về, thỉnh thoảng còn có một bộ phận của tỉnh đội sau mỗi đợt hành quân về đóng ở các vườn cây chùa để dưỡng quân. 

Bước vào Đồng Khởi, tiếng chuông, trống chùa thường nổi lên mỗi khi cần tập họp đồng bào hội họp, đi biểu tình đấu tranh, báo động khi có địch đi càn quét. Khi giặc vào gần chùa, thì chuông trống cũng nổi lên hòa với buổi đọc kinh cầu nguyện hòa bình, quốc thái dân an là hình thức đấu tranh hợp pháp mà chùa thường thực hiện. Hưởng ứng đợt I đồng khởi do khu VIII phát động, chùa Bửu Lâm cùng nhân dân xã Bình Hàng Trung nổi trống mõ huy hiếp bọn tề điệp. Vào tháng 5-1960, tiểu đoàn 502 tổ chức phục kích ở rạch Chùa (gần chùa Bửu Lâm) làm thiệt hại nặng một đại đội bảo an ngụy do trung úy Phạm Văn Trung chỉ huy. Bọn địch tháo chạy, ta truy kích ra đến lộ 30, làm bọn lính trong đồn Nhà thờ hoảng hốt bỏ đồn tháo chạy. Trong trận nầy, tu sĩ trong chùa tổ chức nấu cơm nước phục vụ trận đánh. Qua tổ chức của đồng chí Mười Kiến (Nguyễn Văn Bâng), cán bộ trí vận tỉnh, hòa thượng Thiện Tài vận động tu sĩ, đồng bào Phật tử tham gia cuộc biểu tình ngày 5-3-1961 tại thị xã Cao Lãnh. 

Trước năm 1963, qua sự vận động của đồng chí Năm Văn (Hai Thăng) bí thư xã, hòa thượng Thiện Tài đồng ý cho anh Tư Trình (Bá Lương), một cư sĩ tại gia ở Bình Thạnh vào chùa cư ngụ với tư cách tu sĩ của chùa, để cùng với một số tu sĩ trong chùa là Bửu Minh, Bửu Thông, Thiện Phương, Thiện Phát (Nguyễn Chí Thiện) đặt dưới quyền điều động của đồng chí Chín Từ, xã đội trưởng, phụ trách việc nuôi giấu cán bộ, canh gác cảnh giới, cung cấp thuốc men và các vật dụng cần thiết khác theo yêu cầu của của cách mạng địa phương. Bộ phận nầy còn đảm trách cả việc mua ván hoặc cưa xẻ cây trong vườn chùa để sẵn, để khi cần thiết, lấy ngay đóng quan tài, an táng liệt sĩ cho nhanh gọn; công việc nầy kéo dài đến năm 1975 và số mộ liệt sĩ trong khuôn viên chùa lên đến con số gần 30. 

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Kiến Phong ra đời vào tháng 2-1961 tại xã Bình Hàng Trung, do ông Nguyễn Thanh Khê (Sáu Cầm) làm Chủ tịch. Cuối năm 1963, hòa thượng Thiện Tài được bố trí làm Chánh Đại diện tỉnh Giáo hội Phật giáo thống nhứt tỉnh Kiến Phong, tu sĩ Thiện Phát làm Chánh Đại diện quận Giáo hội Kiến Văn. Ông Nguyễn Thanh Khê là người thường bàn bạc trực tiếp cho hòa thượng Thiện Tài về các công tác mà Mặt Trận yêu cầu. Do thế hợp pháp và quan hệ rộng, nên dù công tác khó khăn đến đâu, hòa thượng cũng hoàn thành. 

Trong chiến tranh cục bộ, địch biết rõ, chùa là cơ sở cách mạng; song là cơ sở tôn giáo, nên chúng còn do dự chưa càn quét. Lợi dụng đặc điểm này, số thanh niên trốn lính vào chùa tá túc ngày càng đông. Đến năm 1966, con số này lên đến hơn 30. Quận trưởng Kiến Văn, đại úy Bạch Hồng ưng cho pháo kích vào khu vực chùa để đánh phá cách mạng và giải tán đám thanh niên tập trung ở đây để bắt lính; một quả rơi ngay chính điện. Được chỉ đạo của trên, ngày 24-3-1966, hòa thượng Thiện Tài cùng với tu sĩ, đồng bào Phật tử kéo lên quận khiếu nại, nạp đơn đòi bồi thường với lý do lính cộng hòa pháo kích vào cơ sở tôn giáo, nơi tôn nghiêm tu hành là vi phạm hiến pháp, yêu cầu chánh quyền quận Kiến Văn phải bảo đảm an toàn, không bắn phá vào khu vực  chung quanh  chùa, gởi Tòa Đại sứ Mỹ có sự chứng chuyển của chánh quyền xã, quận và tỉnh trưởng Kiến Phong. Trước chứng lý vững chắc đó, đại úy ưng phải xin lỗi, chấp nhận bồi thường và cam kết bảo đảm an ninh cho chùa trong vòng một km vuông. 

Trong hai năm 1967, 1968, khi thiếu tá Chúc (theo đạo Thiên chúa) thay đại úy Ưng làm quận trưởng Kiến Văn; cam kết của đại úy Ưng không được tên quận trưởng mới tôn trọng, chùa trở thành mục tiêu bắn phá của giặc. Trước hết chúng cho máy bay trực thăng bắn rốc-kết, đại liên vào vườn cây ăn trái của chùa, nhiều trái đạn rơi gần chùa, làm vườn cây như bị phát quang, còn tường và mái chùa bị thiệt hại năng. Các ngày 27, 29, 30 và 31 tháng 3 năm 1968, chúng cho 4 chiếc L.19 và hai trực thăng bắn và dội bom thẳng xuống 7 nóc chùa. Tiếp đến, trong hai ngày 24, 26 tháng 6 chùa lại tiếp tục bị bắn phá; rồi đến 20 giờ ngày 13-7, chúng cho hai chiếc trực thăng oanh kích  một lần nữa. Sau các đợt bắn phá, chùa Bửu Lâm chỉ còn là đống gạch vụn, hư hại gần 90%. 

Để hỗ trợ quân VNCH ở địa phương, ngày 29-6- 1969 lính sư đoàn 9 Mỹ dùng trực thăng nhảy cóc đánh điểm vào chùa. Chúng bao vây và lục soát; chúng nhóng các tượng lên để tìm kiếm. Chúng phát hiện ra dưới tượng ông Tiêu có một lá cờ Mặt Trận và một xấp tài liệu. Nhân cớ đó, chúng đập phá tất cả 67 tượng Phật trong đó có cả những tượng làm bằng mây đã mấy trăm năm qua, rồi sau đó bắt đi ba tu sĩ và một Phật tử. 

Ngay sau đợt chúng bắn phá lần thứ hai vào chùa (cuối tháng 3-1968), được sự chỉ đạo và hỗ trợ của huyện ủy và tỉnh ủy, hòa thượng Thiện Tài đã vận động tu sĩ, tín đồ, đồng bào Phật tử đấu tranh chống địch bắn phá bừa bãi, bằng con đường hợp pháp qua đơn khiếu nại đòi bồi thường, đòi bảo đảm yên lành cho cơ sở tôn giáo...Cuộc đấu tranh ngày càng lan rộng, được nhiều giới đồng tình hưởng ứng, tính quần chúng ngày càng cao. Lúc đầu là tham gia đấu tranh của đại diện các tôn giáo bạn là Công giáo, Cao Đài, làm đơn tố cáo gởi Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Phủ Tổng Thống, Nha tuyên úy Phật giáo. 

Trước cuộc đấu tranh hợp lý, quận trưởng Kiến Văn phải chấp nhận yêu cầu của quần chúng và ban hành bằng văn bản số 029-KV/AN/1 đề ngày 29-5-1968. Song với bản chất lật lọng, trong hai tháng 6 và 7, chúng lại tiếp tục oanh kích. Cuộc đấu tranh lan rộng hơn, bên cạnh đơn khiếu nại của hòa thượng Thiện Tài gởi chủ tịch Hạ Nghị Viện là đơn của đại diện gia đình Phật tử trong tỉnh, đơn đề ngày 22-7-1968 gởi Tỉnh trưởng Kiến Phong, Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc Phòng, Nội Vụ, Hạ Nghị Viện... Để xoa diệu dư luận, ngày 9-8-1968, tỉnh trưởng Kiến Phong ký văn bản số 6605/AN/CT, bảo đảm an ninh cho chùa. 

Báo chí tiến bộ ở Sàigòn tham gia bằng cách cho đăng tải các đơn khiếu nại, đồng thời tố cáo quân đội Sàigòn bắn phá chùa chiền là vi phạm tự do tín ngưỡng, là vi phạm hiến pháp...Các dân biểu tiến bộ, đối lập trong Hạ Nghị Viện Sàigon, nhứt là các dân biểu thuộc đơn vị tỉnh Kiến Phong đấu tranh, đòi đưa vụ chùa Bửu Lâm bị quân đội tàn phá vào chương trình nghị sự của Quốc hội. Nhờ sự hỗ trợ của dư luận các tôn giáo, báo chí và nhứt là cuộc đấu tranh của đồng bào và tín đồ Phật giáo tỉnh Kiến Phong, cuối cùng vụ này được đa số dân biểu ở Hạ Nghị viện thống nhứt đưa vào chương trình nghị sự. Tại phiên họp quốc hội bất thường ngày 15-8-1968, dân biểu Huỳnh Văn Tư tự Hoàng Hồ của đơn vị Kiến Phong phát biểu có đọan: 
“Ngôi chùa lịch sử của chúng tôi bị thảm sát có tên là chùa Bửu Lâm tục gọi là “Chùa Tổ” đã được lập lên từ 267 năm nay và đã qua mười đời kế nghiệp trụ trì. Ngôi Bửu Lâm tự này nằm ngay trong phạm vi ấp chiến lược xã Bình Hàng Trung cách chi khu Kiến Văn vào khoảng 2 km. Chùa kiến trúc theo lối cổ, mang nhiều nét dân tộc tính Việt Nam, quang cảnh vừa u nhê, vừa cổ kính, khiến ai có tấm lòng hòai cổ vào tới trong chùa không khỏi bùi ngùi nhớ tới bao lớp tang thương bể dâu biến đổi đã phủ lên ngôi cổ tự. Dân chúng toàn tỉnh Kiến Phong chúng tôi bao nhiêu đời qua vẫn đều coi ngôi chùa này là niềm hãnh diện to lớn của toàn thể nhân dân tỉnh Kiến Phong, vì quả thực ở miền Nam này ít có địa phương nào lại có một ngôi chùa cổ lâu đời đến như thế. Xin nhớ ngôi chùa này được xây cất vào năm 1702”. 

Sau đó, hòa thượng Thiện Tài nhận được văn bản số 5230/H/DN của Phó chủ tịch Hạ nghị viên Nguyễn Bá Cẩn ký ngày 12-9-1968, báo cho hòa thượng biết đơn khiếu nại đã được Phủ Tổng Thống chuyển sang Bộ Quốc phòng giải quyết. 

Về phía Mỹ, ngày 22-9-1969, thiếu tá Leonard G. Crowley, Tổng Nha quân pháp, trưởng phòng Cứu xét bồi thường Ngọai quốc (Major, JAGC Chief, Foreign Claims Division) cũng có văn bản gởi hòa thượng Thiện Tài, hứa xem xét khi có biên bản điều tra. 

Cuộc đấu tranh kéo dài đến năm 1973 nhằm thực hiện chủ trương Tỉnh ủy chỉ đạo Huyện ủy là đấu tranh chống bắn phá, đòi bồi thường; nhưng mục tiêu chủ yếu quan trọng là phải giữ cho được căn cứ, yêu cầu chủ yếu với địch là chánh quyền phải tôn trọng cơ sở tôn giáo, ủng hộ việc hành đạo của tăng ni, Phật tử, tôn trọng, bảo vệ di tích lịch sử văn hóa quý hiếm của đia phương; còn yêu cầu đòi địch phải chi tiền, không phải bồi thường mà là ủng hộ để xây cất lại chùa chỉ là yêu cầu thứ yếu. 

Để có lúa gạo nuôi sống cán bộ, chiến sĩ và cả thanh niên trốn lính (lúc cao điểm số này lên đến gần 70 người), mọi người cùng canh tác 150 công ruộng quanh chùa. Sang năm 1970, mức độ oanh kích của giặc ngày càng ác liệt, nên ruộng phải bỏ hoang. Qua năm 1971, chúng tiến hành bình định xã Bình Hàng Trung, riêng khu vực chùa, chúng xây dựng nhiều đồn và tháp canh. Cán bộ, chiến sĩ di dời nơi khác; còn thanh niên trốn lính, số nào có điều kiện đi học thì chuyển lên trường trung học Bồ Đề do Tỉnh Giáo hội mở ở chùa Hòa Long (thị xã Cao Lãnh), số còn lại tản cư qua Cồn Sậy, nơi đóng văn phòng Ban Đại diện giáo hội quận Cao Lãnh. Hòa thượng Thiện Tài thường xuyên ở chùa Hòa Long, giao chùa lại cho các tu sĩ Thiện Phương, Bửu Minh, Bửu Thông. Riêng Thiện Phát với tư cách Chánh đại diện quận giáo hội khéo léo quan hệ, giao thiệp... với đồn bót, kể cả chi khu phó quận Kiến Văn, làm con thoi đi lại, bảo đảm mọi sự  liên lạc, tiếp tế không gián đọan. 

Đến đầu năm 1975, tình hình chiến sự càng lúc cho thấy sự sụp đổ của ngụy quyền Sài Gòn sắp đến gần, một số ngụy quân, tề xã bất dắc dĩ phải làm tay sai cho giặc đến chùa nhờ che chở, giúp đỡ; có số đào ngũ đến xin ở luôn. Ngày 30-4, sau khi tổng thống ngụy quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng, lính ngụy ở địa phương kéo nhau đến đây nộp vũ khí, quân dụng ...(trong đó có trên 40 khẩu súng các lọai) nhiều đến nỗi các tu sĩ và thanh niên trốn lính phải dùng chiếc ghe có trọng tải 600 giạ mới chở hết về chùa Bửu Lâm. Một bộ phận khác tiếp tay với cán bộ địa phương hướng dẫn binh sĩ ngụy đến đăng ký trình điện với Ủy ban quân quản cách mạng. 

Tóm lại, Bửu Lâm là một ngôi chùa cổ ở Nam bộ, sự ra đời và phát triển của nó gắn liền với quá trình khai hoang lập ấp của địa phương, là một chứng tích đánh dấu sự hiện diện khá sớm của người Việt ở đồng bằng sông Cửu Long. Đến cuối thế kỷ XIX, dưới thời hòa thượng Hải Huệ, chùa trở thành một trung tâm truyền bá Phật pháp ở khu vực, góp phần sự phát triển Phật giáo ở Nam bộ. Nối tiếp và phát huy truyền thống gắn bó đạo pháp với dân tộc của Phật giáo Việt Nam, chùa Bửu Lâm đã hòa mình vào công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc. Với tư cách là một cơ sở tôn giáo và bằng hình thức đấu tranh hợp pháp, từ hòa thượng Phổ Lý đến Thiện Tài đã cùng tu sĩ, đồng bào và Phật tử không ngại nguy hiểm, hy sinh tích cực tham gia phong trào cách mạng ở địa phương, góp phần đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đến thắng lợi cuối cùng. Có thể nói rằng, trong sự phát triển của Phật giáo ở đồng bằng sông Cửu Long, chùa Bửu Lâm xứng đáng là nơi tập trung, qui tụ tăng tài và cũng từ đây, các tăng tài còn được tỏa đi khắp Nam bộ để góp phần hoằng hóa nét độc đáo của Phật giáo Việt Nam, trong đó với dân tộc và vì dân tộc được đưa lên bên cạnh yếu tố đạo pháp và vì mục tiêu lâu dài cho một cuộc sống ấm no hạnh phúc nơi trần gian. 

Chùa Bửu Lâm là một di tích văn hóa-lịch sử đáng được trân trọng, xếp hạng đúng tầm vóc, để có điều kiện trùng tu, bảo tồn, đưa vào phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và giáo dục truyền thống của địa phương.

Chú thích

[1] Theo Bác sĩ Nguyễn Văn Phước (65 tuổi), cháu gọi ông Nguyễn Văn Lăng (anh ruột của tổ Tánh Nhẫn) bằng ông Sơ, thì đến nay trong họ tộc chưa rõ nguyên do tại sao có sự thay đổi từ họ Lê sang họ Nguyễn. 
[2] Nguyễn Hiền Đức: Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Nxb TP.Hồ chí Minh, tr.45-46. 
[3] Quốc sử quán : Đại Nam thực lục tiền biên Nxb Sử học, H.1961, Tập1,tr.149-150
[4] Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Tập thượng, S. 1972, tr.20.
[5] Nguyễn Đình Đầu: Đia bạ Nam kỳ-Định Tường, Nxb.TP.Hồ Chí Minh.
[30]. Theo tư liệu lưu giữ tại chùa và tờ tông chi của họ Nguyễn ở nhà số 12A, Trần Hưng Đạo, Sa Đec (Đồng Tháp).
[7] Theo tài liệu trong hồ sơ khiếi nại việc quân đội Mỹ ngụy bắn phá chùa, thì chùa được xây dựng vào năm 1702
[8]Hiện nay chùa còn thờ bài vị ông Trần Văn Nam với pháp danh Bổn Tiến
[9] Pháp Bảo Âm: Lê Khánh Hòa Làm chủ  nhiệm, T ập thứ I, tr.18
[10] Nguyễn Hữu Hiếu chủ biên: Võ Duy Dương và cuộc chiến Đồng Tháp Mư ời, Nxb Đồng Tháp
[11] Nguyễn Văn Hầu: Thiên hộ Dương, NSVH, Số 51, 1960, tr.383-384
[12] Nguyễn Đắc Hiền- Nguyễn Hữu Hiếu- Ngô Bé: Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Nxb Đồng Tháp, 1990
[13] Lê Quốc Sử: Lược sử đấu tranh Phật giáo Nam Kỳ, Sài Gòn - Gia Định (1862-1975, bản đánh máy.

Tác giả: Phẩm Long An
Nguồn bài viết: Hội sử học Đồng Tháp