Notification

×

Iklan

Khu du lịch Văn hóa Phương Nam, nơi tri ân nguồn cội

TT-TT - 27.5.16 Last Updated 2022-03-11T22:33:07Z
    CHIA SẺ
PGĐT -  Giữa tháng tư vừa qua, UBND tỉnh đã trao Quyết định công nhận Khu Du lịch văn hóa (DLVH) Phương Nam là điểm du lịch địa phương. Với du khách gần xa, nơi đây vừa là một công trình ấn tượng vừa là nơi thành kính tri ân những bậc tiền nhân làm rạng danh đất phương Nam.


Du khách tham quan Khu du lịch Văn hóa Phương Nam
Khu DLVH Phương Nam tiền thân là Nam Phương Linh Từ và Đặng Tộc Nam Phương Linh Từ được xây dựng trên diện tích hơn 5ha, tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng, do doanh nhân Đặng Phước Thành cùng Chi tộc Đặng xã Long Hưng A phát tâm công đức xây dựng. Khu được khánh thành vào ngày 26/4/2015, tọa lạc xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, là một công trình văn hóa, lịch sử, tâm linh. Đây là nơi thờ tự các vị tiền hiền, hậu hiền đã có công khai mở, gìn giữ và rạng danh vùng đất phương Nam; nơi thờ tự tổ tiên họ Đặng và các dòng họ khác. Công trình xây dựng với lòng thành kính, tri ân và tôn vinh sự dấn thân của các bậc tiền nhân vì quốc thái dân an.
Đến Khu DLVH Phương Nam, với phong cảnh hữu tình, gần gũi, thân thương với người dân đất Việt. Bác Trần Văn Thành, 79 tuổi, ngụ ấp Thanh Lộc 2, xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ dù đã 2 lần đến Khu DLVH Phương Nam nhưng năm nay bác cùng 14 người bạn của bác lại tìm về đây. Bác bảo: “Tôi thấy môi trường hợp với mình, cảm giác thoải mái lắm, muốn đến hoài. Tôi đi nhiều chỗ nhưng chưa thấy chỗ nào có hoa kiểng, cảnh đền, các pho tượng đẹp như ở đây”. Khu DLVH Phương Nam chỉ phục vụ khách tham quan, cúng viếng vào thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, không bán vé vào tham quan. Điều đặc biệt là từ những nhân viên làm bảo vệ đến hướng dẫn viên ở đây đều lịch sự, tận tình phục vụ khách. Chú Mai Văn Sáu làm “ông Từ” ở đền thờ Đặng Tộc Nam Phương Linh Từ cho biết: “Những ngày thường ở đây không có hướng dẫn viên. Nếu khách hỏi gì về Khu DLVH Phương Nam, tôi biết được bao nhiêu thì nói bấy nhiêu...”.
Đến với Khu DLVH Phương Nam, khách thập phương không khỏi trầm trồ trước công trình xây dựng gồm các khối nhà kiểu cổ - gỗ mới theo phong cách kiến trúc nhà rường truyền thống Việt Nam, mang đậm dấu ấn triều Nguyễn, có cải tiến theo cung cách xây dựng nhà của Nam bộ. Nơi đây có các công trình như: đền thờ Nam Phương Linh Từ, diện tích 509m2, có 7 gian, 2 chái, 3 lòng; là nơi tôn nghiêm để các thế hệ cháu con tôn vinh, tri ân các vị tiền nhân đã xả thân khai mở, gìn giữ và làm rạng danh vùng đất phương Nam. Đền thờ Đặng tộc Nam Phương Linh Từ có diện tích 644m2, 7 gian, 2 chái, 5 lòng. Đền thờ xây dựng để phụng thờ tổ tiên, vun bồi đạo nghĩa. Ngoài ra còn có Bảo tàng Nam bộ, Bảo tàng Đặng tộc, sân hành lễ, công trình dành cho cây xanh hơn 2 ha trồng 54 loại cây xanh, hoa kiểng biểu trưng cho 54 dân tộc anh em, đặc biệt có 63 chậu mai vàng thể hiện 63 tỉnh, thành của Tổ quốc. Quần thể công trình được bao bọc bởi 2 cổng lớn uy nghi nối kết với dãy trường lang dài hơn 675m. Tổng số cột của các hạng mục toàn công trình là 540 cột. Đường kính cột to nhất là 1m, cột cao nhất là 8,6m, khối lượng gỗ dùng cho công trình ước tính trên 6.000m3. Trường lang là công trình lối đi có mái che, là sự kết nối các hạng mục trong quần thể công trình. Trường lang có 2 lầu: tàng lâu và nghinh lâu. Ngoài ra, còn có các hạng mục để thỏa nguyện nhu cầu tâm linh như đàn tế trời, đàn tế đất.
Khu DLVH Phương Nam ngoài thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian truyền thống,... còn tổ chức các lễ hội như: mùng 7/3 âm lịch tổ chức giỗ hội các nhân vật lịch sử đất phương Nam, mùng 8/3 âm lịch tổ chức giỗ tổ Thủy sư Đô đốc Đặng Nhân Cẩm (Thủy tổ của họ Đặng Long Hưng và phương Nam). Chú Đặng Văn Tám trực tiếp quản lý Khu DLVH Phương Nam cho biết: Chỉ trong 2 ngày giỗ hội và giỗ tổ (mùng 7, 8/3 vừa qua, Khu DLVH Phương Nam đã phục vụ cho khoảng 10 ngàn người dự, gần 60 đoàn đến viếng kính bái, cúng công đức.
Hữu Nghĩa