PGĐT - Chiều ngày 27/11, tại Thiền viện Sùng Phúc (Gia Lâm, Hà Nội) tổ chức hội thảo “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm” với sự phối hợp của Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Đây là hoạt động hướng tới lễ kỷ niệm 708 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308 - 2016).
Chủ trì Hội thảo GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, GS.TS khoa học Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội; Thượng tọa Thích Tâm Thuần, trụ trì Thiền viện Sùng Phúc. Tham dự Hội thảo có nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu; lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; chư tăng ni, phật tử các Thiền viện Trúc Lâm trong cả nước.
Hội thảo tập trung làm ba vấn đề: làm thế nào để có lượng định chuẩn xác về di sản Phật giáo Trúc Lâm, đánh giá thực trạng: di tích đang ở mức độ nào và đưa ra các giải pháp bảo tồn. Qua đó, Hội thảo nhận được nhiều bài tham luận; ý kiến trao đổi trực tiếp đánh giá các di sản văn hóa, các di tích lịch sử, phân tích, làm rõ thêm giá trị của hệ thống các di tích liên quan đến Phật hoàng Trần Nhân Tông, qua đó nêu lên các quan điểm và giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định: Trần Nhân Tông là một danh nhân văn hóa, một nhà chính trị, lãnh tụ tôn giáo lớn của Việt Nam và nhân loại.
Được biết, dự kiến năm 2017, lần đầu tiên Viện Trần Nhân Tông, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tuyển sinh đào tạo chương trình tiến sĩ Phật học, nhằm nghiên cứu và đào tạo chất lượng cao, chuyên sâu về Phật học tại Việt Nam.
Lệ Hữu