Notification

×

Iklan

Người phật tử cần làm gì đối với "Tà pháp"?

TT-TT - 1.5.18 Last Updated 2022-04-23T02:51:07Z
    CHIA SẺ
PGĐT - Báo chí cả nước đang có những tin bài và hình ảnh về một tôn giáo mới xuất hiện, vì tinh thần tôn trọng mọi giáo lý của các tín ngưỡng khác nhau nên chúng tôi vẫn gọi đó là một tôn giáo mới, nhưng nếu căn cứ vào những tiêu chuẩn quy định trong pháp lệnh, thì "Hội thánh của Đức Chúa Trời" (HTCĐCT) chưa đủ các yếu tố của một tôn giáo. 

May mắn là cho đến nay tôn giáo mới này đang nằm trong sự kiểm soát của dư luận xã hội, đặc biệt là báo chí, mạng xã hội cũng như việc dư luận đang có thái độ đúng đắn khi xem xét các hoạt động của tôn giáo này. Vậy dưới góc nhìn của Phật giáo, việc xuất hiện "Hội thánh" mới này sẽ như thế nào? Thật ra với một tôn giáo chủ trương hướng vào bên trong và điều khiển tâm và thức như Phật giáo, việc xuất hiện thêm một tôn giáo hay nhiều hơn nữa các tôn giáo mới cũng không phải là vấn đề mà Phật giáo quan tâm, càng không phải là đề tài mà người theo đạo Phật đem ra mổ xẻ, phân tích. Đức Phật luôn giữ trạng thái im lặng khi ai đề nghị Ngài so sánh hay chỉ ra các hạn chế các tôn giáo khác. 


Tuy vậy trong phật tử không phải ai cũng đủ trình độ căn cơ để nhận ra những hạn chế mà một tín ngưỡng khác đang lan tỏa, nếu thiếu đi sự hướng dẫn của những người thầy hay bạn hữu tri thức; nhất là những giáo lý mang tính tà pháp đang thịnh hành, nguy hại hơn nó có thể len lõi vào những nơi sinh hoạt Phật giáo, bảo vệ những người đang theo Phật giáo cũng là bảo vệ các đạo tràng tu tập ổn định hơn, tránh những thiệt hại xảy ra; chúng ta chỉ ra những điều bất thường ở tôn giáo khác không có nghĩa là "triệt hạ" giáo lý của tôn giáo nào đó, để đề cao Phật giáo, việc này không cần thiết vì Phật giáo vốn dĩ đã là một tôn giáo của trí tuệ tối thắng. 

Vậy với tà pháp thì nguyên nhân từ đâu và người phật tử cần làm những gì, trang bị như thế nào để có thể nhận thức ra đâu là tà pháp? Xin gửi gắm đến quý phật tử bài viết "Người phật tử cần làm gì trước tà pháp?", nhằm để phật tử nâng cao cảnh giác, và giữ vững niềm tin trong cuộc sống tu tập trước hiện tượng được cho là "tà đạo"* 

Trong một số phật tử đây đó có biểu hiện của lo lắng, hoang mang, thậm chí là bị cuốn hút làm tín đồ vì thế bài viết này chúng ta cần nêu ra đây ba phương pháp lựa chọn pháp môn tu hành theo lời Phật dạy, ba phương pháp không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ cho bản thân cũng như giúp người thân của mình không phải là nạn nhân của mọi loại tà pháp. 

(* “Tà đạo” là gọi theo cách của báo chí, vì trong kinh sách Phật giáo không dùng đến, mà dùng từ Ngoại đạo chỉ cho một đạo khác ngoài đạo Phật, ở đây chúng tôi dùng từ "Tà pháp")

1. Trước tiên là Chánh kiến: 

Chánh kiến là một chi trong Bát chánh đạo, người theo Phật giáo nếu có chánh kiến sẽ có sự khởi đầu con đường tu tập khá hiệu quả, chánh kiến có nghĩa là thấy đúng sự thật, thấy ở đây không phải là nhìn theo cách thông thường bằng nhãn quang sinh học của chúng ta nữa, mà phải bằng đôi mắt của tư duy, đôi mắt của sự hiểu biết; không chánh, mơ hồ, hoang tưởng, bóp méo sự thật, nhìn đen thành trắng, trắng thành đen, nhìn không xuất phát từ thực tế để đem lại sự lợi lạc cho cuộc sống tu tập của người phật tử. 

Chúng ta thử dùng "chánh kiến" đối với việc quy định điều kiện để trở thành thành viên của Hội thánh này như sau: Trước tiên muốn vào tôn giáo mới này, phải đóng góp một khoảng tiền để trở thành hội viên; Tất nhiên, ở đâu cũng vậy để duy trì bất cứ tổ chức nào cũng cần sự đóng góp của các thành viên, nhưng để quy định như một điều lệ bắt buộc sẽ gây cản trở cho những người có không có điều kiện kinh tế nếu muốn vào hội, hơn nữa mục tiêu tôn chỉ của các tôn giáo chính là đời sống an lạc ngay bây giờ hay về sau chứ không phải mục mục tiêu chính là "tiền điều lệ". 

Theo phản ánh của báo giới, các thành viên khi tham gia Hội thánh thì sau đó thường chia rẽ trong chính gia đình mình, trong đó có nhiều phụ nữ, đàn ông quên cả trách nhiệm bổn phận đối với gia đình con cái, sinh viên thì bỏ học, lưu ban... Như vậy với đôi mắt chánh kiến, không biết lợi lạc đến đâu nhưng trước mặt là nỗi bất hạnh cho từng gia đình khi có thành viên bị "rơi" ra ngoài quỹ đạo thường nhật, gây ra sự đảo lộn cuộc sống bình thường. Trong Phật giáo chưa bao giờ có chủ trương đó, Phật giáo là tôn giáo của nhập thế, tu làm sao thấy lợi thì tu, việc gì gây bất lợi thì đừng làm, thứ gì làm đau khổ thì đừng theo, chia rẽ thì tránh. 

Việc Hội thánh kêu gọi các thành viên về nhà đập phá các bàn hương thờ cúng ông bà, đã xâm phạm một quy tắc quan trọng bậc nhất của đời người đó là "lòng biết ơn", "sự nhớ ơn" cội nguồn gốc gác, chỉ bấy nhiêu thôi khoan nói đến sự hiếu lễ, với sự chánh kiến, chúng ta không khó nhận ra những điều trái khuấy của tà pháp này, vậy mà không ít cá nhân lại bị mê hoặc bởi thứ giáo lý kỳ lạ đầy tiêu cực, trái với luân lý. 

Hoặc việc tuyên truyền ngày tận thế, cho rằng ngày tận thế trở nên gần kề hơn lúc nào hết, nên mọi người hãy tin vào Chúa, ai tin vào Chúa thì hãy ăn bánh mì thánh (bánh mì đã được rưới nước thánh) đó là thịt của Chúa, lúc đó Chúa sẽ rước. Nghe qua rất nhiều thứ bất ổn trong hình thức nghi lễ này, với đôi mắt của Phật giáo tận thế cũng là một nội dung được đề cập, vì có sinh thì có diệt, có duyên hợp thì duyên tan, nhưng tận thế vào lúc nào lại là một vấn đề khác, nó phụ thuộc vào thái độ của nhân loại đối với vạn vật xung quanh nhất là ngôi nhà chung trái đất của chúng ta. Cũng từ thuyết nhân duyên quả ấy, muốn được kết quả tốt thì phải hành động tốt, không cớ gì để có kết quả tốt là về với Chúa thì hãy đặt niềm tin vào Chúa, và ăn bánh mì thánh thì sẽ được Chúa rước, với Phật giáo điều này hoàn toàn không thể, dù người phật tử có tin Phật hay không tin Phật nhưng vẫn thực hành tốt các giới luật thì kết quả tốt đẹp sẽ đến...

Nếu người phật tử vận hành tốt chánh kiến sẽ tạo thuận lợi cho một chi tiếp theo của giáo lý Tứ Diệu đế là chánh tư duy. 

2. Chánh tư duy: 

Chánh tư duy nghĩ đúng, tránh suy nghĩ cục bộ, cố chấp, hay lệch hướng. Chánh tư duy cũng là một chi trong Bát Chánh đạo, là bước tiếp theo của chánh kiến, từ đó mới có cơ sở hình thành chánh tư duy. Người phật tử cần có sự suy nghĩ, phân tích, đối chiếu, so sánh, sàng lọc và rút ra cho mình những nhận định đúng đắn, chứ không sống theo kiểu ba phải, ai nói gì nghe đó, ai truyền gì tin đó, ai kêu gì làm đó...mà không cần biết đó là gì, không cần tìm hiểu mục đích lý do, điều này Đức Phật chưa bao giờ yêu cầu đệ tử của Ngài hãy cuồng tín vào Ngài, Đức Phật luôn chủ trương "văn-tư-tu" có nghĩa là nghe thấy - tư duy - rồi hãy tu. 

Hình ảnh những ngày qua chúng ta bắt gặp từ trong Hội thánh: một số người ngồi thẩn thờ, mắt lim dim, một số khác thì tay chân lắc liên tục hoặc miệng lẩm nhẫm theo một câu nói nhất định; họ bị điều khiển bởi những hiệu lệnh từ người phía trên, yêu cầu gục ngã thì gục ngã, yêu cầu đọc kinh thì đọc kinh...các hành động này được thực hiện trong vô thức của chủ thể, điều rất đáng lo khi mà con người đã không còn làm chủ bản thân. Thật ra đây là những người có thần kinh yếu và bị ảnh hưởng bởi lây lan nhân cách, có nghĩa là khi làm lễ, những người điều hành Hội thánh sẽ cắt cử một số người trà trộn chung với các tín đồ bên dưới và khi có hiệu lệnh, họ là những người làm trước tiên để tạo hiệu ứng cho những người còn lại, lúc này sẽ tạo ra tâm lý lây lan nhân cách từ người này sang người khác. Những chiêu trò này không bao giờ xảy ra Phật giáo, đạo Phật là đạo của sự thật, hãy đến và thực nghiệm. Nếu bước Chánh kiến và chánh tư duy được thực hiện, thì bước thứ ba là Trạch pháp sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

3. Trạch pháp: 

Trạch pháp là lựa chọn phương pháp, sự việc để tu tập. Là một phương pháp nằm trong phần thất giác chi của giáo lý Tứ Diệu đế. Nên là người phật tử khi nghe, thấy, nhận thức, tư duy…một phương pháp tu tập nào tốt, hay một tư tưởng, hoặc cách làm nào mà bản thân và mọi người thừa nhận là tốt đẹp, thì ta có quyền lựa chọn, sao cho phù hợp nhận thức của mình, cách thực hành của mình rồi mình có quyền quyết định chọn hay không chọn, đa phần trong giới phật tử học Phật ai cũng biết điều này. Nên việc những người hướng dẫn trong Hội thánh này đưa ra phương pháp không cần làm gì hết, chỉ dựa vào Chúa, ăn bánh của Chúa và uống nước của Chúa, làm theo lời Chúa, hãy gục ngã vì Chúa? thì sai lệch về luật nhân quả. Không làm gì nhưng lại mong muốn thụ hưởng, muốn được Chúa rước thì chắc Chúa cũng không thể rước nổi, khi mà những tín đồ của mình không tự giác mọi thứ mà trông đợi vào Chúa, thì dù Chúa có quyền năng tối cao đến đâu chắc cũng không muốn rước những con người u mê ấy về nước của mình. 

Nên đây là những điều phi thực tế mà dưới đối mắt chánh kiến, chánh tư duy trong Phật giáo sẽ giúp quý phật tử dễ dàng nhận ra đâu là lợi ích thực sự cho chính mình, để rồi có trạch pháp đúng đắn, lựa chọn cho mình con đường đi nào khoa học nhất, hiệu quả nhất. 

 LN