Notification

×

Iklan

Huyền thoại nhà sư miền Nam, phát tâm đi bộ từ Sa Đéc ra miền Bắc

TT-TT - 21.9.20 Last Updated 2022-03-11T22:39:04Z
    CHIA SẺ
PGĐT- Mùa Xuân năm Mậu Dần (1938), Ngài phát nguyện bách bộ hành hương từ Sa Đéc ra đất Bắc, chiêm bái Danh lam Thánh tích. Ngài là Hoà thượng Thích Vĩnh Tràng.

Nhằm bày tỏ lòng tôn kính và tưởng niệm bậc cao Tăng Giới đức kiêm ưu, đã cống hiến trọn đời, hiện thân giáo, tiêu biểu danh đức sáng ngời cho hậu thế, Đạo hạnh khả kính, làm biểu tín cho Tăng, tín đồ Phật tử tiếp nối mạng mạch Phật pháp, truyền đăng tục diệm, tiếp ngọn lửa hương từ bi, trí tuệ của Phật tổ. Chúng ta cùng nhau thành tâm thắp hương tưởng niệm và ôn lại hàng trang của Ngài để nêu gương sáng cho hàng hậu học:

Tôn dung Hoà thượng Thích Vĩnh Tràng

Tôn dung Hoà thượng Thích Vĩnh Tràng

 

Tiểu sử Hòa thượng Thích Vĩnh Tràng (1881-1963)

Hòa thượng thuộc dòng Thiền Lâm Tế chánh tông đời thứ 40, pháp húy Hồng Tỵ, hiệu Vĩnh Tràng, thế danh Trần Văn Tỵ, sinh năm Tân Tỵ (1881) tại Lai Vung, Phủ Tân Thành, An Giang (nay huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). Thân sinh Ngài là cụ ông Trần Văn Bè, vốn sinh trưởng trong gia đình trung lưu kính tin Tam Bảo.

Năm Giáp Thìn (1904), sau khi thông thạo nghề thợ Kim hoàn, sự nghiệp thành đạt, cụ thân sinh quyết định lo bề gia thất cho Ngài. Nhưng do duyên Bồ đề đã ươm mầm, vườn hoa Bát nhã đơm hoa, chí thoát trần thúc giục, Ngài khước từ việc hôn nhân và xin phép song thân cho Ngài theo lý tưởng Phật đà tìm đường giải thoát…


Chiếc mõ được Hoà thượng Vĩnh Tràng thỉnh từ ngoài Bắc về. Hoà thượng đã đi bộ 135 ngày ròng để mang chiếc mõ về chùa.

Chiếc mõ được Hoà thượng Vĩnh Tràng thỉnh từ ngoài Bắc về. Hoà thượng đã đi bộ 135 ngày ròng để mang chiếc mõ về chùa.


Bái tạ phụ thân, giã từ hiền mẫu, nhân dịp lễ tưởng niệm ngày Tổ sư Minh Thông hiệu Hải Huệ viên tịch lần thứ nhất, ngày mồng 4 tháng 8 năm này, Ngài tìm đến Bửu Lâm Cổ Tự (Chùa Tổ) rạch Cái Bèo, làng Bình Hành Trung, huyện Cao Lãnh, đảnh lễ đại lão Hòa thượng Như Liễn hiệu Phổ Lý, xin thế phát xuất gia làm Thích tử, và Ngài được Hòa thượng Bổn sư ban cho pháp danh Hồng Tỵ, hiệu Vĩnh Tràng. (Đại lão Hòa thượng Phổ Lý là một trong những vị danh Tăng đầu thế kỷ 20, sau buổi hiệu triệu canh tân Phật giáo của Tổ Khánh Hòa, Huệ Quang. . . Ngài vô cùng cảm kích, dùng tiếng khóc dấy động phong trào chấn hưng Phật giáo toàn quốc).

Do được hầu cận chư vị cao Tăng thạc đức, được chư Tôn giáo phẩm tiền bối un đúc, nên sự học tu của Ngài càng thêm tinh tấn và hiệu nghiệm. 

Năm Ất Tỵ (1905), sau lễ Đại tường Sư tổ Minh Thông - Hải Huệ, Ngài được thọ giới Sa Di tại Tổ đình Khải Phước Nguyên, Lấp Vò, do Thiền sư Như Khả - Chân Truyền đương vi Đàn đầu Hòa thượng. 

Năm Tân Hợi (1912), Ngài thọ Cụ Túc giới tại giới đàn Minh Thông, Tổ đình Khải Phước Nguyên, Lấp Vò, do Thiền sư Như Khả - Chân Truyền đương vi Đàn đầu Hòa thượng.

Sau đó, để tiếp tục sự nghiệp Truyền đăng tục diệm, báo Phật thâm ân, hoằng truyền chánh pháp, hóa độ chúng sinh, Ngài được Hòa thượng Bổn sư bổ xứ về Lai Vung đảm nhiệm Trụ trì ngôi Già lam Hội Phước ven sông Hậu và làm cố vấn Trụ trì các Tự viện lân cận như Chùa Phương Trì, Chùa Long Phước. . .                                                                     

Mùa Thu năm Đinh Sửu (1937), các vị bô lão Hội đồng làng Tân Vĩnh Hòa, đại diện Phật tử Sa Đéc cung thỉnh Ngài về Trụ trì ngôi Phước Hưng Cổ Tự. 


Mùa Xuân năm Mậu Dần (1938), Ngài phát nguyện bách bộ hành hương ra tận đất Bắc, chiêm bái Danh lam Thánh tích. Khi về, Ngài đến Tổ đình Thiên Phúc Tự (chùa Thầy - dưới chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ, nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội), chiêm bái Thánh tăng, chia sẻ Phật sự với vị Trụ trì và thỉnh một chiếc mõ bằng gỗ quý, nặng khoảng 15 kg, đường kính bề ngang 1,4m, bề dọc 0,7m.

Không quản đường xa vạn dặm, vượt bao vất vả khó khăn, Ngài vừa đội chiếc mõ trên đầu, mỗi bước chân liền niệm Phật. Hành trình bao tháng ngày niệm Phật kinh hành, mang bảo vật pháp khí đất Bắc về tận vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cầu nguyện non sông đất nước, đạo pháp dân tộc mãi mãi trường tồn bất diệt.


Chiếc mõ được an vị và bảo lưu tại Chánh điện Phước Hưng Cổ tự cho đến nay. 

Trải bao năm tháng với tuế nguyệt phong sương, sớm hôm hòa quyện với tiếng mõ, hồi chuông ngân vang cùng kinh vàng, kệ ngọc:

Mõ sớm chuông chiều, gợi ý khách trần trong biển ái;

Câu kinh tiếng kệ, nhắc lòng người tục giữa sông mê.

Năm Kỷ Sửu (1949), giặc Pháp quyết định thiêu hủy ngôi Cổ Tự Phước Hưng với lý do nghi ngờ chùa này là cơ sở nuôi dấu chiến sĩ Cách mạng chống Pháp, nhưng nhờ đức hạnh của Ngài cảm hóa giới quan chức trí thức địa phương cùng quần chúng Phật tử mà ngôi Cổ Tự thoát hỏa nạn, danh thắng Phước Hưng được tồn tại đến nay. 

Năm Nhâm Dần (1962), do tuổi già sức yếu, tự biết mình không còn trụ thế bao lâu, Ngài kiến nghị Giáo hội bổ xứ Thầy Thích Vĩnh Đạt thay Ngài về Trụ trì ngôi Cổ Tự. Trọng Đông năm này, Hòa thượng Thích Thiện Hòa – Trị sự Trưởng Giáo hội Tăng Già Nam Việt ký quyết định bổ nhiệm đồng môn pháp lữ, Hòa thượng Thích Vĩnh Đạt Trụ trì Phước Hưng Cổ Tự và lo hậu sự cho Ngài.

Đầu Xuân năm Quý Mão (1963), nhân dịp lễ kỷ niệm ngày vía đức Bồ tát Quán Thế Âm đản sinh, Ngài tắm gội, mặc áo cà sa, nằm nghiêng bên hữu, thế cát tường, tay phải gối đầu, tay trái xuôi theo hông, miệng Ngài mỉm cười từ biệt đại chúng bằng câu niệm A Di Đà Phật, an nhiên thu thần viên tịch vào giờ Mão ngày 19 tháng 2 âm lịch.

Trụ thế 83 Xuân

Giới lạp 52 Hạ 

Trụ trì 52 Đông

Những vị đệ tử xuất gia với Ngài, tiêu biểu như các vị:

Hòa thượng Thích Thiện Huệ, hiện trụ trì Tổ đình Phước Hưng cổ tự, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, nguyên Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Tháp, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Đồng Tháp.

Cố Hòa thượng Thích Thiện Phước, pháp húy Nhật Thọ, nguyên Trụ trì chùa Phật Học, Cần Thơ.

Cố Hòa thượng Thích Thiện Long pháp húy Nhật Thạnh, nguyên trụ trì chùa Phương Trì.

Cố Hòa thượng Thích Thiện Tồn pháp húy Nhật Dần, nguyên Trụ trì Hội Phước Cổ Tự, Lai Vung.

Cố Hòa thượng Thích Thiện Thanh pháp húy Nhật Uông, nguyên Trụ trì chùa Long Phước, Long Hậu, Lai Vung. . .

Đệ tử tại gia quy y thọ ngũ giới, Thập thiện, Bồ tát giới hàng vạn người. 

Quả là: 

“Tịnh đức Thiền tăng vân tập như mây;      

Phật tử, tín đồ quang lâm như nước.”

Lúc trẻ, Ngài vân du khắp danh lam thánh tích đất Bắc, độc bộ hành cước phương Nam, tham học chư sơn thiền đức vùng thất sơn mầu nhiệm, Châu Đốc.

Sau thập niên 1950, Ngài thường về Hà Tiên cúng giỗ Sư ông của Ngài là Sư tổ Minh Thông-Hải Huệ và Sư bá là Thiền sư Như Khả-Chân Truyền, nhị vị tiền bối tiền nhiệm trụ trì ngôi Sắc tứ Tam Bảo, do Hòa thượng Thích Vĩnh Đạt, trụ trì Sắc tứ Tam Bảo cúng giỗ thường niên. Ngài rất quý mến đạo hạnh của thầy Vĩnh Đạt, vị trụ trì Sắc tứ Tam Bảo, Hà Tiên và đề nghị Giáo hội bổ nhiệm Thầy Vĩnh Đạt kế nhiệm trụ trì đời thứ 5 Tổ đình Phước Hưng, Sa Đéc.

Đương thời Ngài được sự quý mến của chư tôn đức Tăng già, đặc biệt là đại lão Hòa thượng Luật sư Thích Chánh Quả trụ trì Kim Huê Cổ tự. 

Về sở hành sở ngộ của Ngài, có một giai thoại như sau:

“Một hôm, có viên quan Tri huyện Lai Vung, Trần Thượng Tân (1917-1947) đến hỏi ý nghĩa Phật tánh, Ngài trích dẫn Kinh Viên Giác để chia sẻ:

 “Tất cả chúng sinh đều đã thành Phật.” 

- Trong quặng, vàng đã thành sẵn, chỉ do lẫn lộn với đất cát tạp chất, nay luyện bỏ đất cát thì vàng hiện ra. Nếu trong quặng vốn không sẵn có vàng thì dù tinh luyện cách mấy cũng không thể thành vàng. 

Cũng vậy, Phật tánh không thể giảm bớt hay gián đoạn, Chân Tâm, Phật tánh vốn sẵn nơi chính mình:

Niệm Phật niệm Tâm, Tâm niệm Phật, 

Tham thiền tham Tánh, Tánh tham thiền.

Chúng ta tu hành cũng giống như luyện vàng vậy!”

Đối với xã hội, Ngài là bậc mô phạm mẫu mực, tiêu biểu cho một công dân tốt, khiến giới quan chức trí thức địa phương vô cùng kính mến và đã xin quy y làm đệ tử Ngài, trở thành “Hộ pháp” phụng sự Tam Bảo.

Từ lúc xuất gia nhập đạo làm Sa môn Thích tử, Ngài lập nguyện tu hạnh đầu đà, nghiêm cẩn trì giới luật, suốt đời không ăn sang mặc đẹp; trong cuộc sống thường nhật, Ngài luôn thể hiện Tri túc để trang nghiêm cho phong cách an lạc thanh nhàn. Ngài chuyên thọ trì đọc tụng Kinh điển Đại Thừa, ít nói, giữ tâm thanh tịnh niệm Phật, thật xứng danh là bậc “ĐẠO HẠNH KHẢ PHONG”. Hạnh nguyện hiện thân giáo hóa của Ngài hơn vạn lời giáo huấn:

“Lên điện báu trong tâm ngời thánh trí,

Nhập thiền môn dưới gót hiện hoa sen.”

Sự thị hiện của Ngài là một bài thuyết pháp không lời. Hương thơm đức hạnh của Ngài lưu mãi với thời gian. Hành trạng cuộc đời và sự nghiệp hành hóa của Ngài là ánh quang minh, luôn soi đường dẫn bước cho hậu thế noi theo tu học.

Kính tưởng niệm Ngài:

“Làm sứ giả Như Lai, ba cõi thong dong, thả bước tiêu dao cùng pháp giới.

Mang hành trang Chư Tổ, một đời tự tại, trải lòng phụng sự khắp quần sanh”.

Pháp tôn Thích Vân Phong kính soạn