PGĐT-Người làm việc chưa đúng, ta không nên lưu ý đến, ta không lưu ý đến mọi việc của người khác như lời khuyên này: “Người làm hay không làm” ta không cần biết đến, chỉ “Nên tự nhìn thân ta” xem xét lại ta, coi ta có tạo nên lỗi lầm gì không? Nếu có lầm lỗi thì cố gắng khắc phục, đừng để vi phạm những lỗi lầm đó nữa.
“Không nên nhìn lỗi người
Người làm hay không làm
Nên tự nhìn thân ta
Có làm hay không làm”.
(Kinh Pháp Cú)
Chú giải: Lời nhắc nhở khuyên nhủ trên đây của đức Phật, nhằm giúp chúng ta khi tu hành không nên nhìn ra ngoài, mà hãy nhìn vào trong ta, kiểm điểm lại ta, quan sát lại ta, tư duy về ta... để tìm ra những lỗi lầm của mình, nhờ có thấy được lỗi lầm, ta mới cố gắng khắc phục làm không cho phạm phải những lỗi lầm đó nữa. Nếu hằng ngày chuyên cần làm những công việc này, tức là ngăn ác và diệt ác pháp thì tâm ta không còn lỗi lầm. Tâm không còn lỗi lầm là tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Tâm thanh thản, an lạc và vô sự là tâm vô lậu, là tâm hết khổ đau.
Ảnh: Thiengiuadoithuong |
Hằng ngày, chỉ biết quan sát lại thân tâm mình, tìm xem có những ác pháp nào xâm chiếm vào nó thì phải ngăn và diệt. Còn về tâm cũng vậy, khi có một niệm nào khởi lên lầm lỗi thì phải mau mau diệt. Sống hằng ngày mà nỗ lực tu tập như bốn câu kệ trên thì cuộc sống chúng ta có một đời sống an lạc và hạnh phúc tuyệt vời. Chỉ cần sống đúng như bốn câu kệ trên đây thì cũng đã giải thoát rồi.
Không nhìn người khác, chỉ nhìn bản thân mình, tâm sẽ định lại. Định thì mới có thể sanh ra trí tuệ. Nói chuyện lỗi lầm của người khác thì vĩnh viễn không định được, vậy là chúng tổn thất quá lớn rồi. Chúng ta niệm Phật, nhìn thấy lỗi lầm của người khác, nhất định không thể được nhất tâm bất loạn. Không những không đạt được nhất tâm bất loạn mà tiêu chuẩn thấp một chút là công phu thành phiến cũng đều không đạt được. Công phu thành phiến không đạt được thì không có hy vọng vãng sanh, tổn thất quá lớn rồi. Lục Tổ nói “người thật sự tu đạo thì không thấy lỗi thế gian”.
Bệnh nặng nhất của phàm phu là cứ thấy người này không đúng, người kia cũng không như pháp, làm hư hỏng hết tâm thanh tịnh của bản thân mình. Không cần nói một đời không thể thành tựu mà đời đời kiếp kiếp đều khó thể thành tựu. Hễ tự cho là mình đúng, người khác không đúng thì là gốc của tội. Chỉ cần có gốc thì tất cả tội nghiệp đều sanh ra từ trong cái gốc này. Chỉ nhìn thấy lỗi người, không thấy lỗi mình, đây chính là “nhất xiển đề” [người cắt đứt mọi thiện căn] mà trong kinh Phật thường nói. Nhất xiển đề là tiếng Phạn, ý nghĩa là không có thiện căn. Sao lại không có thiện căn? Không biết lỗi lầm của bản thân mình. Người biết lỗi của mình thì tâm người đó là tâm giác ngộ. Vì thế biết lỗi của mình chính là giác ngộ, sữa chửa lỗi lầm của mình, đó là chân tu.
Lục Tổ nói: “Người thật sự tu đạo thì không thấy lỗi thế gian”. Khi chúng ta lỗi của thế gian thì chứng tỏ tâm còn vướng, lên án lỗi người là tâm ta còn động, việc giữ giới cũng không thanh tịnh. Thấy lỗi người chính là bản thân phạm lỗi, chúng sanh ra phân biệt, chấp trước, lại vọng tưởng, không có chút định nào rồi. Người tu Phật luôn quay lại với tâm mình, hiểu tâm mình, luyện tâm mình, giải phóng tâm mình. Còn chuyện thế gian, lộn xộn như sóng biển, chẳng theo một định hướng nào, vướng tâm vào đó thì chúng ta cũng như con sóng. Sự bình yên của tâm người tu chính là cái để thế gian bám vào, tâm tịnh là tâm Phật, để nói lên cái hay ho của Phật giáo chỉ cần giữ tâm mình cho thật tịnh.
Với người đã tự nhận lỗi, tinh thần Phật giáo với người có lỗi thì cần khuyên răn, uốn nắn, chỉ cho họ thấy cái lỗi của họ, nhưng tuyệt nhiên không được nghĩ họ là người đáng lên án, mà chỉ là hành vi chưa phù hợp, cần thấy ra bản chất của hành vi, chứ không một ai không vướng mắc sai sót. Khi họ quay đầu, cần nhận ra tinh thần cầu thị đó mà tuyệt nhiên không nhắc về lỗi đó thêm một lần nào nữa, xoá những dấu tích nào liên quan đến quá khứ lỗi lầm của họ, ngay cả trong lời nói và ý nghĩ cũng không nhắc lại, vì nhắc là tâm chúng ta còn vướng, còn chấp, còn nhớ cái sai của người nghĩa là ta chưa vị tha với họ.
(Tổng hợp các trang Phật giáo)