Notification

×

Iklan

Tiểu sử Hòa thượng Thích Thiện Thông (1927-2007)

TT-TT - 6.4.24 Last Updated 2024-04-06T14:49:10Z
    CHIA SẺ
 Hiệu đính: Thiện Thảo

Di ảnh Hòa thượng Thích Thiện Thông trong lễ tưởng niệm lần thứ 17


Cố Hòa thượng Thích Thiện Thông, sinh năm 1927, viên tịch ngày 28/02 Đinh Hợi 2007.
- Cố Ủy viên Thường trực BTS tỉnh hội PG Đồng Tháp
- Chánh ĐDPG Lấp Vò (nhiệm kỳ 1993-2007)
- Cố UV.MTTQ VN huyện Lấp Vò
- Cố Thư ký Ban ĐDPG huyện Thạnh Hưng (tên cũ Lấp Vò) từ 1983-1993)
- Trụ trì Thiên Phước Cổ Tự (giai đoạn 1998-2007).

Hòa thượng thuộc dòng thiền Lâm Tế chánh tông đời thứ 41, pháp húy Nhật Chí, hiệu Thiện Thông, thế danh Hồ Tấn Phát, sinh năm Mậu Thìn (1927), tại làng Bình Thạnh Đông, huyện Lấp Vò, Long Xuyên (nay Đồng Tháp).

Năm lên 7 tuổi Ngài được song thân đưa đến chùa Phước Ân, Rạch Cái Bường, xã vĩnh Thạnh, để đảnh lễ lão Thiền sư Bửu Phước, cầu xin thế phát xuất gia, được Hòa thượng bổn sư ban pháp danh Nhật Chí. Ngài nổi tiếng viết chữ đẹp, cho nên Ngài có tên thường gọi là thầy Ký Phát. 

Năm Ất Dậu (1945), Cách Mạng tháng 8 thành công và sau đó thực dân Pháp tái chiếm xâm lăng, Ngài đã xin phép Hòa thượng bổn sư hoàn tục để đi theo tiếng gọi của non sông, tham gia kháng chiến, nhằm bảo vệ quê hương đất nước.

“Cởi áo cà sa khoác chiến bào,
Giã từ thiền viện lướt binh đao,
Câu kinh tiếng kệ chờ khi khác;
Cứu nước thương dân dễ đợi nào!”

Đất nước được hòa bình, mùa Xuân năm Quý Hợi (1983) Ngài trở lại chùa xưa để tiếp nối hương lửa Từ bi, phúc trí trang nghiêm, ngỏ hầu đền đáp ân nghĩa Thầy tổ, đã một thời dầy công dạy dỗ, và trọn ước nguyện chí nguyện xuất trần thuở ấu thơ..

Nơi đây, Ngài được Thiền Sư Thích Vĩnh Đạt cạo tóc, trao áo Cà sa, bình bát, ban pháp hiệu Thiện Thông, thọ liên đàn Cụ túc giới và truyền kệ phú pháp:

“Nhật chấn tông phong, đạo bổn nguyên,
Chí tâm đoạn nghiệp, tổ sư truyền,
Thiện năng tinh tấn hòa tăng lữ;
Thông hiểu luật kinh ngộ phúc duyên”.

Và cũng trong năm này, được sự tín nhiệm của Tỉnh hội, Hoà thượng được Tăng sai giữ chức vụ Thư ký Ban Đại diện Phật giáo (ĐDPG) huyện Thạnh Hưng (Lấp Vò, Lai Vung sáp nhập thành huyện Thạnh Hưng). Suốt hai nhiệm kỳ (1983 -1993) Hoà thượng cũng là Chánh ĐDPG Lấp Vò từ năm 1993 đến 2007.

Năm Mậu Thìn (1988), được sự tín nhiệm của chư tôn giáo phẩm Ban trị sự Phật giáo Đồng Tháp và Tông phong pháp phái, bổ nhiệm Ngài Trụ trì Tổ đình Thiên Phước, Rạch Xẻo Tre, xã Hội An Đông, Lấp Vò, Đồng Tháp (nơi Thiền sư Minh Thông hiệu Hải Huệ khai sơn).

Năm Bính Tuất (2006) tuổi gần bát tuần, tự biết mình trụ thế không bao lâu, Ngài cố gắng khai Tịnh nghiệp đạo tràng An cư Kiết hạ lần thứ 3 sau 2 lần 1993, 1997 để lần cuối cùng với chư tôn đức Tăng già và Phật tử hoàn thành Phật sự, rồi từ đó Ngài thu vén mọi hoạt động, về tịnh dưỡng và thực tập chuyên tu.

Đầu Xuân Đinh Hợi (2007) mặc dù tứ đại bất an, nhưng Ngài vẫn không ngừng hoạt động Phật sự, từ thiện xã hội. Với tâm nguyện nối nhịp đạo và đời bằng tình người trong trái tim từ bi, phải thực hiện bằng được chiếc cầu trước bến sông cửa chùa, thuận tiện giao thông tại sông xán Cái Tàu Thượng, giúp bà con giữa hai đầu dòng sông xã Hội An Đông, (Lấp Vò, Đồng Tháp) và xã Hội An (Chợ Mới, An Giang) cùng nhịp bước chân an lạc qua lại dễ dàng. Kết quả đó cũng được trọn vẹn khi một chiếc cầu gỗ hoàn thiện vững chắc:

“Cầu cây bắc nhịp đôi bờ,
Đạo tâm nối kết ước mơ cho đời."

Bồ đề vui bước thảnh thơi, Cổ xe lâu năm cũng đến hồi xuống cấp, thời xuân trẻ cũng đến hồi già yếu, năm tháng ngày dài, mỏi mòn với sức tàn hơi kiệt, ương góp lại sáng ngời Đạo thiêng”…Ngài đã viên tịch vào ngày 28 tháng 02 năm Đinh Hợi (2007), trụ thế 80 tuổi.

Hòa thượng là một trong những vị Tăng sĩ tiêu biểu, trọn vẹn sự gắn bó hài hòa giữa đạo pháp và dân tộc. Một chuỗi đời hành đạo hy sinh, phục vụ vị tha vô ngã, một nhân cách lớn của Tăng sĩ Việt Nam, đã thắp sáng truyền thống yêu nước, Trí -Dũng bất khuất của lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Và để đào tạo ra những nhân tài cho đất nước, cho Giáo hội, Ngài đã ở chùa chăm sóc và gìn giữ chùa cũng như chịu sương chịu gió một mình mà để cho các đệ tử được ăn học đến nơi đến chốn, và cũng là người đã có công lớn trong công cuộc hoằng dương chánh pháp và góp phần an sinh xã hội địa phương.