Notification

×

Iklan

Gò Tháp Mười - Truyền thuyết và lịch sử

Lệ Nhật - 8.5.16 Last Updated 2022-03-11T22:33:07Z
    CHIA SẺ
PGĐT - Gò Tháp, Gò Tháp Mười là tên gọi khá xa xưa của vùng đất thuộc phần lớn huyện Tháp Mười ngày nay. Tên tỉnh Đồng Tháp cũng có xuất xứ từ đây, theo tư liệu của Bảo tàng Đồng Tháp : sách Gia Định thành thông chí gọi vùng nầy là Vô-tà-ôn, chằm lớn và Lâm Tẫu. Sách Đại nam nhất thống chí gọi vùng nầy là chằm Măng Trạch và hồ Pha Trạch. Trong bản đồ của Pháp năm 1862, vùng nầy được ghi là Plaine inond’ee couverte d’ herhe (Cánh đồng nước ngập cỏ), về sau họ ghi gọn lại là Plaine des Joncs ( Đồng cỏ lác). Đời Tự Đức trong các châu bản gọi vùng nầy là “Thập Tháp”. 

Sau đó, tờ công báo của Nam kỳ thuộc địa gọi là “Tháp Mười”. Qua thời gian, người ta gọi vùng đất trũng, phèn mênh mông rừng tràm xen kẽ những cánh đồng hoang rất rộng lớn, đầy cỏ bàng, năn, lác và những bàu, lung sen là Đồng Tháp Mười, gồm có phần lớn tỉnh Đồng Tháp ngày nay và một phần các tỉnh Long An, Tiền Giang. Khu di tích Gò Tháp tọa lạc tại địa bàn hai xã Mỹ Hòa và Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, cách thị xã Cao Lãnh về hướng đông bắc 43 km, cách thị trấn Tháp Mười khoảng 10 km về hướng Bắc. Đây là khu di tích văn hóa, lịch sử độc đáo được Bộ VHTT (cũ) công nhận năm 1998. Các nhà khảo cổ trong các lần khai quật di chỉ Gò Tháp vào các năm 1984, 1993 đã phát hiện nhiều di vật của nền văn hóa Óc Eo dưới lòng đất cát pha sét, có niên đại cách đây trên một thiên niên kỷ rưỡi. Các tượng thần của Hindu giáo như Vishinu, Ganesa, Shiva và các mẫu vật sành sứ, ấm chén, khuôn chế tác nữ trang hiện được trưng bày khá phong phú tại bảo tàng Đồng Tháp. Mộ táng bảy lớp và chín lớp bằng gạch kết dính có hoa văn tám cánh thể hiện bốn phương, tám hướng trùng khớp theo la bàn tạo ra sự bí ẩn chưa được khám phá. Có một số cọc gỗ chìm dưới lớp đất 2 đến 3m. Người ta cho rằng đó là dấu vết nhà sàn của một cụm dân cư cổ sống trong vùng rún lũ, mà Gò Tháp là nơi tập trung. Đến Gò Tháp, bạn sẽ thấy mình như hòa nhập vào cảnh quan thiên nhiên với môi trường sinh thái còn mang nhiều nét hoang sơ. Nơi đây có nhiều giồng cát quanh co như lượn sóng với chiều dài gần 500m, ngang 200m, tạo thành cụm gò nổi, trên gò có nhiều cây cổ thụ như trôm, gáo, sao, dầu, thau lau sừng sững tỏa bóng thâm u. 

Vào Mùa nước nổi, Đồng Tháp Mười mênh mông trắng xóa, xen lẫn với những cụm xóm làng xanh tươi như những ốc đảo, tạo thành một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Từ cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, nguời Việt ở Đàng Ngoài và vùng Ngũ Quãng tiến vào phương Nam khẩn hoang lập ấp, lúc ấy Đồng Tháp Mười vẫn còn rất hoang vu với rừng rậm bạt ngàn, đầm bãi sình lầy, thiên nhiên khắc nghiệt : “Đến đây xứ sở lạ lùng Nghe tiếng chim kêu cũng sợ, tiếng con cá vùng cũng kinh!” (ca dao) Quần thể di tích Gò Tháp có tên Prasat Pream Loven gồm có 5 di tích tiêu biểu: Gò Tháp Mười, tháp Cổ Tự, mộ và đền thờ anh hùng Thiên hộ Dương (Võ Duy Dương) và Đốc binh Kiều, gò Minh Sư, miếu Bà Chúa Xứ. Trong khu vực Gò Tháp, các nhà khảo cổ đã phát hiện được nhiều di vật cổ của nền văn minh Óc Eo. Ngày nay, người ta đã biết rằng cách đây trên dưới một thiên niên kỷ rưỡi, trên vùng đất Nam bộ, xưa kia đã từng có một vương quốc tên là Phù Nam, xuất hiện ở thế kỷ thứ 2, sau đó suy tàn và mất đi vào thế kỷ 6. Các di chỉ văn hóa Óc Eo được phát hiện rất nhiều nơi ở Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Gò Tháp Mười là nơi cao nhất nằm ở phía nam khu di tích.Trong chiến tranh chống Pháp và Mỹ, Gò Tháp Mười từng là căn cứ của các cơ quan kháng chiến ở Nam bộ, Khu 8, trường Quân chính khu 8... 

Đền thờ Võ Duy Dương - Đốc binh Kiều tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: ĐẶNG HOÀNG THÁM 


 Cách Gò Tháp Mười 100 m về phía Bắc là chùa Tháp Linh Cổ Tự, tương truyền rằng đã có từ đời Thiệu Trị (1841-1847), xa xưa là ngôi tháp thờ các vị thần của Hindu giáo. Sau một thời gian hoang phế bởi chiến tranh loạn lạc, ngày nay ngôi chùa cổ nầy đã được trùng tu lại. Tháp Linh Cổ Tự trông hoành tráng uy nghi với kiến trúc hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa của các đình chùa Việt Nam qua những tượng Phật, và các hoa văn, họa tiết trang trí... Ở khoảng giữa Gò Tháp Mười và Tháp Linh Cổ Tự có miếu Hoàng Cô, theo dân gian địa phương, miếu nầy thờ bà Nguyễn Phúc Hồng Nga là em gái của vua Gia Long. Phía sau miếu có ngôi mộ của Hoàng Cô, núm mộ được dân chúng đắp bằng những viên đá trứng bằng nắm tay vun cao lên. Hiện các nhà nghiên cứu vẫn còn đang trong quá trình tìm hiểu về lịch sử cũng như mộ táng của vị công chúa nầy. Hằng năm, có hai kỳ lễ hội dân gian truyền thống: vía Bà Chúa Xứ (15 tháng 3 âm lịch) và lễ tưởng niệm hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều (15 tháng 11 âm lịch). Có hàng trăm ngàn lượt khách hành hương về Gò Tháp để thưởng ngoạn sinh hoạt văn hóa “học trò lễ”, “nhạc lễ”, “múa lân sư rồng” và cùng đắm mình trong không gian một thời của vương quốc Phù Nam huyền thoại với nền văn minh Óc Eo nổi tiếng... 

Nhà thơ Hữu Nhân - Hội VHNT Đồng Tháp - cho biết: “Với những đặc điểm về văn hóa, lịch sử và truyền thống của Gò Tháp, tỉnh Đồng Tháp đã có kế hoạch đầu tư, xây dựng Gò Tháp thành một khu du lịch sinh thái, về nguồn mang đặc trưng văn hóa của vùng Đồng Tháp Mười. Nơi đây dự kiến sẽ xây dựng một đài sen cao 79m và khu dịch vụ để phục vụ khách tham quan, du lịch... Ngoài ra, sẽ phục hồi, phục chế các di tích liên quan đến hoạt động của Xứ Ủy Nam Kỳ và Ủy ban Nam Bộ kháng chiến...”. 

Đền thờ hai vị anh hùng dân tộc chống Pháp của Nam bộ là Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều và Thiên hộ Võ Duy Dương là một công trình kiến trúc đẹp, trang trọng ở trung tâm khu di tích Gò Tháp. Hai ông đã chọn Gò Tháp làm căn cứ địa của nghĩa quân yêu nước trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là nơi xuất phát những trận đánh làm quân địch kinh hoàng, khiếp sợ. Võ Duy Dương (1827 - 1866), còn gọi là Thiên hộ Dương do giữ chức Thiên hộ, là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Đồng Tháp Mười. Khi thực dân Pháp xâm lược chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, ông đã đứng lên sát cánh với Thủ Khoa Huân khởi nghĩa ở Định Tường (1861), về sau ông lại tham gia, kết hợp với Trương Định đánh Pháp. Năm 1864, Trương Định hy sinh, ông cùng Đốc binh Kiều lập căn cứ Đồng Tháp Mười tiếp tục kháng chiến. Võ Duy Dương sinh năm 1827 tại thôn Cù Lâm Nam, huyện Tuy Viễn, trấn Bình Định nay là thôn Nam Tượng I, xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Tổ tiên của Võ Duy Dương là Võ Hữu Man từ miền Bắc vào thôn Nam Tượng lập nghiệp, đến Võ Duy Dương là đời thứ 6. Cha của Võ Duy Dương là Võ Hữu Đức. Hậu duệ, cháu nội ông là Võ Quế _ 85 tuổi (1989). Thủa nhỏ Võ Duy Dương có thể chất cường tráng, thông minh và giỏi võ nghệ. Nhà nghèo ông phải đi chăn trâu. Về sau có một vị quan địa phương thương tình nhận làm con nuôi. Tương truyền, trong một kỳ thi võ nghệ, ông cử được một lúc 5 trái linh, mỗi trái nặng 60 cân (hai tay xách 2 trái, hai nách kẹp 2 trái, răng cắn 1 trái, nên từ đó người ta gọi ông là “Ngũ Linh Dương”. 

Năm 1857, hưởng ứng chính sách lập đồn điền của triều Tự Đức, Võ Duy Dương vào Nam tìm đến đất Ba Giồng, ven Đồng Tháp Mười chiêu mộ dân chúng khẩn hoang lập ấp, và trở thành một hào phú ở địa phương. Sau khi Gia Định thất thủ, tháng 4 năm 1861 Pháp đánh chiếm Mỹ Tho, Võ Duy Dương cùng Thủ Khoa Huân kéo lực lượng về Gia Định đánh Pháp. Vì vậy, ông được phong chức Chánh quản đạo. Thất trận ở Gia Định, ông vượt biển về kinh, bái yết vua Tự Đức hiến kế đuổi giặc. Ông được điều về Quảng Nam dẹp cuộc nổi dậy của người Thạch Bích (mọi Vách Đá) và được phong hàm Chánh bát phẩm Thiên hộ. Tháng 5 năm 1861, ông được sung vào phái bộ của Khâm phái quân vụ Đỗ Thúc Tịnh vào Nam với nhiệm vụ chiêu mộ nghĩa dõng chống ngoại xâm. Ông đóng quân ở Bình Cách, liên kết với Trương Định ở Gò Công, Trần Xuân Hòa (phủ Cậu) ở Thuộc Nhiêu và Đỗ Thúc Tịnh ở Mỹ Quí. Võ Duy Dương lãnh đạo nghĩa quân lấy Đồng Tháp Mười là vùng rừng đầm lầy, hiểm trở ở Nam bộ thời bấy giờ làm căn cứ. Ông cho Trần Trọng Khiêm xây dựng đại đồn ở Gò Tháp, trên ba con đường ra ngoài có 3 đồn: Tiền, Tả, Hữu án ngữ. Ngoài ra còn nhiều đồn nhỏ khác đóng xung quanh bảo vệ khu căn cứ. Từ đây, nghĩa quân dùng chiến thuật du kích đánh Pháp trên cả một vùng rộng lớn từ Hà Tiên, Rạch Giá đến Đồng Tháp, gây cho đối phương nhiều tổn thất. Giữa lúc lực lượng nghĩa quân đang quyết tâm quyết chiến, thì triều đình Huế ký hiệp ước Nhâm Tuất ngày 5 tháng 6 năm 1862 nhượng ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho giặc Pháp. Liền ngay sau đấy, triều đình Huế buộc các tổ chức kháng chiến của nghĩa quân phải hạ khí giới, bãi binh. Không tuân lệnh, ông bị triều đình tước binh quyền và lùng bắt. Về sau, Nguyễn Hữu Huân rồi Trương Định lần lượt hy sinh trong công cuộc kháng Pháp, Võ Duy Dương cùng với các nghĩa sĩ khác như Nguyễn Tấn Kiều (tức Đốc binh Kiều, phó tướng), Trần Kỳ Phong, Thống Bình, Lãnh Binh Dương, Thương Chấn, Thống Đa, Quản Văn, Quản Là... vẫn không nản lòng, càng tổ chức đánh Pháp quyết liệt hơn. Ngày 14 tháng 4 năm 1866, De La Grandìere (về sau bị quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc giết tại Ô Cầu Giấy - Hà Nội năm 1873) có Huỳnh Công Tấn và Trần Bá Lộc dẫn đường, đã huy động một lực lượng lớn gồm một ngàn thủy quân, bộ binh cùng nhiều tàu chiến, đại bác chia làm 3 mũi tiến công từ 3 hướng Bắc Chiêng, Cần Lố và Cái Nứa. Chúng quyết đánh chiếm căn cứ đầu não của nghĩa quân. Nhiều trận quyết chiến ác liệt đã xảy ra làm cho bọn giặc Pháp bị thiệt hại nặng nề. Sau gần 10 ngày chiến đấu dũng cảm với vũ khí thô sơ chống lại hỏa lực hùng hậu của giặc, nghĩa quân yếu thế, bọn Pháp chiếm được Đồn Trung,Võ Duy Dương và nghĩa quân phải rút ra khỏi Đại đồn, Đốc binh Kiều ở lại chặn địch và đánh trả quyết liệt, sau đó ông đã anh dũng hy sinh. Sau khi rút khỏi Đại đồn Gò Tháp, Thiên hộ Dương đem quân phối hợp với con của Trương Định là Trương Quyền và thủ lĩnh người Khmer là Acha Xoa, tiếp tục đánh Pháp nhiều trận ở vùng biên giới giáp với Tây Ninh. Tháng 9 Thiên hộ Dương gởi tờ tấu trình về Huế, báo cáo tình hình, gợi ý về việc chiến đấu lâu dài và quyết tâm thâu phục lại ba tỉnh miền Đông nếu như triều đình ra lệnh. Tháng 10 năm 1866, Võ Duy Dương dùng thuyền theo đường biển ra Bình Thuận liên lạc với nghĩa sĩ miền Trung và chuẩn bị đi Huế. Nhưng thật không ngờ, khi đến cửa biển Cần Giờ, ông và các thuộc hạ tâm phúc đã bị cướp biển sát hại ở mũi Thị Khiết (Thuần Mẫu) thuộc vùng biển Cần Giờ, khoảng tháng 10 năm 1866, lúc ông mới 39 tuổi để lại sự thương tiếc vô cùng cho nhân dân, đồng bào. Ngày 14 tháng 11 âm lịch hằng năm, là ngày giỗ chung của 2 ông: Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều. Bên tả trong chánh điện đền thờ của hai ông ở Gò Tháp có hai câu đối: Sử sách sáng chói danh Thiên hộ Bia miệng lưu truyền tiếng Đốc binh Ca dao vùng Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang còn lưu truyền: Chiều chiều mây giục gió vần Cảm thương Thiên hộ xả thân cứu đời! 

 Mai Lý
 --------------
Sách tham khảo: - Tạp chí Đồng Tháp xưa và nay số 18 tháng 9-2006. - Lịch sử Việt Nam tập II (NXB Giáo dục 2002). - www. Wekipedia - Võ Duy Dương. - Những vấn đề lịch sử của triều Nguyễn (NXB Văn hóa Sài Gòn 2007).