PGĐT - Để có tiền nuôi nấng các trẻ mồ côi, nhiều năm qua, sư cô Thích Nữ Như Nghĩa (trụ trì tịnh thất Pháp Hoa, phường 6, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) phải mưu sinh bằng nhiều nghề: bán sữa dạo, bánh mì, cơm…
Nhiều người dân địa phương rất cảm phục trước tấm lòng cao đẹp ấy của sư Nghĩa.
Niềm vui của "người mẹ" - sư cô Thích Nữ Như Nghĩa là mong các con mà mình nhận nuôi trưởng thành khỏe mạnh và có nghề nghiệp ổn định.
Niềm vui làm mẹ
Tịnh thất Pháp Hoa có 2 gian: một gian thờ Phật và một khu rộng rãi, thoáng mát cho các cháu mà sư Nghĩa nhận nuôi chơi đùa. Khi chúng tôi bước vào, 5 đứa trẻ từ 7 tuổi trở xuống đang chuẩn bị ăn sáng. Chúng vừa ăn, vừa hồn nhiên đùa giỡn với nhau. Thấy sư Nghĩa vừa chạy xe giao sữa về, 5 đứa trẻ chạy ùa ra ôm hôn lên má sư. Cháu Hân Hân nũng nịu: "Con ngoan lắm, vừa tắm xong thì ăn cháo liền, má Nghĩa có mua sữa chua cho con ăn không?". Sư Nghĩa âu yếm nhìn các con rồi chìa ra mấy hộp sữa chua.
Sư Nghĩa tâm sự: "Sư đi tu lúc lên 15 tuổi và được gia đình chấp thuận cho miếng đất khá rộng để xây tịnh thất. Từ khi ăn chay, niệm Phật, sư biết được làm việc thiện không chỉ đem lại niềm vui cho người khác mà còn cho cả bản thân mình".
Năm 2002, khi thấy những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, không nơi nương tựa, sư rất thương các cháu nên đã có ý định nhận nuôi trẻ mồ côi.
Sư Nghĩa hồi tưởng: "Năm 2006, người chị ruột cho hay có một bà mẹ đặt đứa trẻ khoảng 2 tuổi ngoài đường ở huyện Tháp Mười, nghe mà nóng ruột nên sư liền chạy xuống. Thấy tờ giấy ghi dòng chữ "giấy cho con" mà mình thương đứa nhỏ quá nên khuyên người mẹ hết lời. Tuy nhiên, bà ấy van xin sư nhận đứa trẻ về nuôi". Sư Nghĩa đồng ý đặt tên bé là Tố Quyên, tên giấy khai sinh là Lê Thị Phượng Thư. Sư cô bảo các bé theo họ của sư cô (tên tục của sư cô là Lê Thị Mỹ Phượng) để sau này bé hãnh diện với bạn bè là mình có mẹ chứ không phải là một đứa trẻ mồ côi.
Sư Nghĩa đùa rằng, chắc do có duyên với những đứa trẻ nên cách một, hai năm là có người đến nhờ nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi. Cặp chị em sinh đôi được sư Nghĩa nhận nuôi được đặt tên Hân Hân có lẽ là trường hợp đáng thương nhất.
Cách đây hơn 2 tháng, một phật tử báo cho biết gần phà Cao Lãnh có một bà cụ đang có ý định bỏ rơi 2 đứa cháu. Nhận được tin, sư Nghĩa liền đến và thấy 2 đứa nhỏ mình đầy ghẻ lở, lấm lem bùn đất đang đứng giữa trưa nắng. Bà của 2 đứa trẻ khóc lóc van nài sư Nghĩa đem cháu mình về nuôi vì mẹ tụi nhỏ đã bỏ đi, cha thì bệnh nặng nên không có khả năng lo cho 2 cháu. Khi đưa 2 cháu về nuôi, sư Nghĩa đã tận tình chăm sóc, mua thuốc trị bệnh, nấu đồ ăn ngon để bồi bổ cho 2 cháu. Cặp sinh đôi này tuy đã 6 tuổi nhưng nhìn nhỏ nhắn như trẻ lên ba nên sư Nghĩa rất cưng chiều.
Không quản nhọc nhằn vì con
Một ngày của sư Nghĩa bắt đầu từ 2h sáng. Khi các con đang yên giấc ngủ, sư phải lục đục thức dậy nấu sữa đậu nành. Đến tầm 4 - 5 giờ có 2 - 3 em học sinh, sinh viên ra phụ. Sau khi nấu xong, sư chất đầy bịch sữa xung quanh chiếc xe máy cũ kỹ, chạy khắp TP Cao Lãnh để bán. "Nhiều người đi tập thể dục buổi sáng và một số phật tử thấy thương tình nên ngày nào cũng mua ủng hộ. Một buổi sáng bán được 20 - 30 bịch sữa đậu nành, kiếm lời khoảng 80.000 đồng", sư Nghĩa bộc bạch. Bán xong, sư Nghĩa lật đật về lo cơm nước cho các con. Từ đó đến nay, sư Nghĩa đã nhận nuôi 5 đứa trẻ và 17 học sinh, sinh viên bằng chính sức lao động cực nhọc của mình. Có những sinh viên giờ đã ra trường có việc làm ổn định từ đồng tiền vất vả của sư Nghĩa thi thoảng ghé về thăm người nuôi nấng mình và động viên các em cố gắng học tập.
Nhiều người ở chợ thấy sư làm việc thiện và vất vả như vậy nên thi thoảng cho rau cải, giúp sư bớt đi một phần chi phí. Còn những đứa trẻ được sư nuôi nấng đều rất ngoan và học chăm chỉ. Sinh viên Lê Anh Đức (năm thứ ba, Đại học Đồng Tháp) xúc động nói: "Tôi hay lui tới tịnh thất của sư Nghĩa và thấy được tấm lòng yêu đương đùm bọc của sư đối với người không máu mủ ruột rà. Tấm lòng sư cô thật sự để cho giới trẻ chúng tôi khâm phục và noi theo. Thi thoảng, bên trường có quyên góp tiền rồi cùng với sư nấu cháo mang vào bệnh viện cho những bệnh nhân nghèo".
Ông Nguyễn Hoàng Văn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 6 cũng cho hay: Sư Nghĩa không chỉ nuôi nấng các trẻ mồ côi, mà còn thường vận động các nhà hảo tâm tặng quà các em thiếu nhi nghèo của phường. Trước khi chia tay, chúng tôi rất xúc động trước câu nói của sư Nghĩa: "Sư không ngại nhọc nhằn, chỉ mong các trẻ mà sư nuôi sẽ thành người, thành tài, có ích cho xã hội"
Nguồn: Văn Vĩnh (CAND)