Notification

×

Iklan

Khóa tu Tham thoại đầu tại Thiền đường Tam bảo

TT-TT - 9.4.16 Last Updated 2022-03-11T22:28:47Z
    CHIA SẺ
PGĐT - Đi trên Quốc lộ 80 hướng từ thành phố Hồ Chí Minh về tỉnh Đồng Tháp, qua khỏi ngã ba Trung Lương, đến địa danh ấp Tân Thuận, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, Đồng Tháp là chùa Tam Bảo khiêm nhường ẩn mình trong xóm làng. Con đường nhỏ hẹp với dãy hoa vàng nở rộ hai bên dẫn chúng tôi đến chùa vào một buổi sáng đẹp trời của một ngày cuối năm Ất Dậu. 

Tứ chúng của khóa tu thiền thất tại chùa Tam Bảo, năm 2011
Không giống như một số ngôi chùa hay thiền viện khác thường ẩn mình trong rừng sâu hay nằm trên núi cao tách biệt với thế giới ồn ào náo nhiệt bên ngoài, chùa Tam Bảo nằm ngay trong thôn làng, được bao bọc bởi nhà dân chúng, bởi luống cải, vườn rau. Tuy kiến trúc có vẻ như hiện đại, nhưng với mái chùa cong lợp lá tranh nên vẫn ấp ủ hình dáng của một ngôi chùa miền quê yên bình. Khách phương xa cảm thấy cảnh quan thanh tịnh xa hẳn chốn thị thành với bao nỗi muộn phiền. 

Theo thầy trụ trì Thích Phước Chí kể lại, sự ra đời của ngôi chùa này bắt nguồn từ những năm tháng khó khăn sau ngày thống nhất đất nước, mới đầu chỉ là một ngôi chùa nhỏ trên một mẫu đất hoang nhiều cỏ tranh và mồ mả. Hòa thượng Thích Huệ Phương là vị trụ trì đầu tiên ngôi chùa này. Đến năm 1987, do nhu cầu tu học của Phật tử và do sự hỗ trợ từ tinh thần đến vật chất của thiền sư Thích Duy Lực, một ngôi thiền đường mới chứa được khoảng gần một trăm người được xây cất lên và những khoá thiền thất hàng tháng được tổ chức sau đó dưới sự hướng dẫn trực tiếp của thiền sư. Thiền sư Thích Duy Lực không những là người có công đem pháp môn thiền Tham Thoại Đầu đến với Phật tử Việt Nam mà còn mang đến tận vùng đồng bằng sông nước Cửu Long này. Khoảng mười năm sau, số người tham dự các khoá thiền thất mỗi ngày mỗi đông, nhất là vào các khoá an cư kết hạ của chư tăng ni miền Tây nên thầy trụ trì và thầy phó trụ trì Thích Minh Thiền cùng chư tăng ni và cư sĩ Phật tử thường trú quyết định xây cất ngôi chùa mới đối diện với ngôi thiền đường hiện tại, có kích thước to lớn hơn, với một chánh điện được dùng làm nơi toạ thiền rộng rãi và khang trang hơn. 

Cho đến nay việc xây dựng vẫn chưa được hoàn tất, mái chùa vẫn là mái chùa tạm lợp bằng lá tranh đã qua hơn hai mùa mưa nắng, tường xung quanh vẫn chưa có cửa nên gió lùa lồng lộng và nền chánh điện vẫn còn đậm nét mầu bê tông nguyên sơ. Thầy Minh Thiền cho biết khi đủ ngân khoản chùa sẽ ưu tiên lợp mái chùa bằng ngói âm dương và hy vọng mái chùa sẽ được lợp xong trước hoặc sau mùa kết hạ năm Bính Tuất 2006. Chùa Tam Bảo, còn được gọi là Thiền đường Tam Bảo, có lẽ là ngôi chùa Thiền tông chuyên tham thiền Thoại Đầu duy nhứt ở vùng đồng bằng sông nước Cửu Long, nơi quy tụ khoảng 200 tăng ni miền Tây về đây kết hạ mỗi năm từ ngày rằm tháng tư đến ngày rằm tháng bảy âm lịch. Ngoài các khoá kết hạ dành cho chư tăng ni, chùa thường xuyên tổ chức định kỳ các khoá thiền thất vào trung tuần mỗi tháng, bắt đầu vào ngày 14 âm lịch, dành cho tăng ni và cư sĩ Phật tử bốn phương. Mỗi khoá qui tụ khoảng 100 hành gỉa tham thiền. 

Có lẽ nơi đây là một trong hai trung tâm tu học Phật giáo trên toàn nước mở rộng cho số đông cư sĩ Phật tử tại gia đến tu hành tại chùa nhiều ngày đêm dưới mô hình Thiền thất hay Phật thất. Được biết thiền thất là một mô hình tổ chức tu tập tương đối khá mới ở Việt Nam. Dường như chỉ mới xuất hiện từ khi cố hoà thượng Thích Duy Lực hoằng truyền pháp môn thiền Tham Thoại Đầu từ năm 1977. Thiền thất có nghĩa là một tập thể gồm nhiều người cùng hành trì pháp môn thiền trong thời gian bảy ngày bảy đêm tại một thiền đường hay tại một ngôi chùa. Cũng đôi khi hai hay ba thiền thất tổ chức liên tục, như bên Trung Hoa có nơi tổ chức bảy thất liên tục tức 49 ngày đêm tham thiền. 

Ý tưởng về mô hình tổ chức các khóa tu Thiền thất được khai sáng tại Trung Hoa, không biết rõ từ bao giờ nhưng có thể bắt đầu từ triều đại nhà Tống. Đền triều đại nhà Thanh pháp này được hưng thịnh, lịch sử ghi lại vua Ung Chính (1723-1736) thường đả thiền thất tại hoàng cung và dưới vua có hơn mươì người được ngộ đạo sau những kỳ đả thiền thất. Mục đích của những hành giả tham gia thiền thất là khai mở trí tuệ, trở về bản thể chân tâm vốn hằng thanh tịnh bằng cách làm ngưng lại dòng tâm ý thức trôi chảy liên tục trong tâm con người từ thời vô thuỷ. 

Được biết, bản thể chân tâm của con người vốn thanh tịnh, nhưng vì môt niệm bất giác, tức nhất niệm vô minh sinh khởi, nên sinh ra ý thức phân biệt, gây thành có ta, có cái không phải ta, sinh ra đối đãi, và từ đó dòng tâm ý thức tham sân si dấy lên, ngày càng dầy đặc, trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi, tạo nghiệp quả, vay trả, trả vay không ngừng. Nay muốn trở về bản thể cội nguồn thì phải dừng được dòng tâm ý thức. Nghĩa là dừng lại những tạo tác của ý thức thường lưu, luồng tư tưởng, những ý niệm và nhận thức. Và pháp dụng công là đơn cử một câu thoại đầu, ngày đêm sáu thời như một dòng nước chảy không cho gián đoạn, đi cũng thiền, ngồi cũng thiền, đứng cũng thiền, nằm cũng thiền - nói chung là đi, đứng, nằm, ngồi đều tham thiền. Tham Thiền tức là tham cứu "một niệm chẳng sinh." Tham cũng có nghĩa là Tham Khán hay cũng có nghĩa là Chiếu Cố Thoại Đầu. Chiếu là phản chiếu. Cố là quay nhìn lại, tức là nhìn lại tự tánh. Trong lúc ngồi thiền hay kinh hành, còn gọi là tọa hương hay đi hương, hành gỉa không nói chuyện. Mỗi người tự mình chiếu cố thoại đầu của mình, tự mình dụng công. Nhìn thấy bất cứ ai, nghe bất cứ âm thanh gì cũng không quan tâm tới. Ai tới thì tới, ai đi thì đi, ai nói thì nói, chỉ chuyên tâm, chuyên chí tham thiền tựa như thuật ngữ thiền học gọi là gà ấp trứng hay mèo rình chuột. Nghĩa là khi hành công phu, nên dứt hết tất cả vọng niệm. Chẳng đoái hoài đến ngoại cảnh chỉ tự dứt tâm mình thôi. 

Ở Chùa Cao Mân bên Trung Hoa, ngày thường cũng đả Thiền thất nhưng thời khóa dụng công phu nhẹ hơn, thời lượng ngồi thiền và kinh hành chỉ khoảng 14 tiếng. Vào mùa đông thì tổ chức liên tục mười thất với thời lượng ngồi thiền và kinh hành là 19 tiếng một ngày: Bắt đầu từ 4 giờ 30 sáng đến 11 giờ khuya mới nghỉ, công phu như thế được miên mật và tinh tấn hơn, nên trong Thiền thất, theo sử sách ghi lại có nhiều vị Tổ sư khai ngộ. Với Thiền Đường Tam Bảo, khi được hỏi về thời khoá tu tập, thầy Minh Thiền cho biết chương trình tu tập hàng ngày bắt đầu từ 3 giờ rưỡi sáng cho đến 9 giờ đêm mới nghỉ, trong đó thời lượng tọa thiền và thiền hành tức là tọa hương và đi hương là 10 tiếng đồng hồ. Thời khoá này là thời khoá áp dụng hàng ngày dù có thiền thất hay không có thiền thất. Hiện tại chùa có khoảng 40 thường trú, vừa tăng ni và cư sĩ. Có ni xá riêng dành cho ni và nữ cư sĩ Phật tử. 

Thầy cho biết thêm chi tiết thời khóa tu như sau: Buổi sáng: 3 giờ rưỡi là thức chúng, từ 4 giờ đến 5 giờ rưỡi là tọa hương và đi hương, 6 giờ là tiểu thực, từ 6 giờ rưỡi đến 7 giờ rưỡi là chấp tác, từ 8 giờ đến 11 giờ là tọa hương và đi hương. Giờ thọ trai là 11 giờ 5 phút và 12 giờ trưa là chỉ tịnh. Buổi chiều: 13 giờ thức chúng, từ 13 giờ rưỡi đến 16 giờ rưỡi là thời tọa hương và đi hương, 16 giờ 35 phút là dược thực. Buổi tối: 18 giờ rưỡi đến 20 giờ rưỡi là thời toạ hương và đi hương, 21 giờ chỉ tịnh. Tại Việt Nam, pháp môn thiền tham công án hay tham thoại đầu, không còn được nghe nói đến từ sau Tổ Liễu Quán thị tịch năm 1742, nay đang được sống lại. 

Ngoài chùa Tam Bảo ở Đồng Tháp còn có chùa Phật Đà ở Tp.HCM, các Thiền đường Pháp Thành và Liễu Quán ở Bà Rịa Vũng Tầu và Thiền đường Từ Ân ở Hoa Kỳ đều có đông Phật tử đã được học pháp Tham Thoại Đầu và đang nỗ lực tham thiền. Một giờ tham thiền là một giờ an lạc, là một giờ xa lìa ác đạo. Một ngày tham thiền là một ngày an lạc, là một ngày không khởi nghiệp tham sân si, là một ngày tới gần giải thoát

(Nguồn: Internet)