Notification

×

Iklan

Vì sao 'bỏ mứa đồ ăn' là có tội?

TT-TT - 3.5.16 Last Updated 2022-03-11T22:27:22Z
    CHIA SẺ
PGĐT - Vì sao người xưa thường nhắc nhở con cháu rằng: “Ăn mà bỏ mứa đổ đi là có tội”? Đây là lời nhắc nhở được xuất phát từ truyện cổ Phật giáo. Hãy cùng đọc câu chuyện để quý trọng từng hạt cơm và tránh mắc tội vì sự vô tâm của bản thân.



Câu chuyện kể rằng, xưa kia có một đôi vợ chồng nghèo đến mức không có nhà ở, phải sống trong một cái hang, bốn bên vách tường đều không có sinh khí. Thậm chí họ còn phải mặc chung một bộ quần áo. Mỗi khi người chồng mặc đi ra ngoài có việc thì người vợ đành phải ở nhà, còn lúc người vợ mặc đi ra ngoài thì người chồng cũng đành phải ở trong hang động giấu mình.

Một ngày nọ, hai vợ chồng họ nghe thấy tin Phật Thích Ca Mâu Ni dẫn các đệ tử đi đến vùng lân cận để khất thực. Người chồng liền nói với người vợ: “Bởi vì trước đây chúng ta không biết rõ rằng quyên tặng là gieo trồng phúc nên bây giờ mới rơi vào tình cảnh khốn cùng như thế này. Khó khăn lắm mới chờ được cơ hội Phật Thích Ca Mâu Ni đi đến nơi này giáo hóa, sao có thể để mất cơ hội này được?”

Người chồng nói xong, người vợ thở dài thật sâu rồi nói:“Nhà chúng ta gần như không có một chút của cải gì cả, lấy gì mà quyên tặng cho tăng nhân đây?”

Người chồng nghĩ nghĩ một lát rồi nói lời dứt khoát: “Cho dù thế nào đi nữa, chúng ta thà chết đói cũng không để lỡ mất cơ hội này. Bây giờ chúng ta còn duy nhất bộ quần áo này, hãy mang nó đi quyên tặng đi!”

Thế là hai vợ chồng họ lập tức cầm bộ quần áo là tài sản duy nhất trong nhà đi quyên tặng khiến cho các đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni bị khó xử. Tất cả các đệ tử đều trốn tránh không nhận bộ quần áo này. Cuối cùng, Ananda đành mang bộ quần áo đến trước mặt Phật Thích Ca Mâu Ni để hỏi ý kiến: “Bạch thầy! Bộ quần áo này thực sự là không thể mặc được, hay là chúng ta vứt bỏ đi ạ?”

Phật Thích Ca Mâu Ni ân cần chỉ giáo đệ tử: “Con không thể nghĩ như vậy được. Sự quyên tặng của người nghèo là vô cùng đáng quý! Hãy mang đến cho ta mặc đi!”

Ananda cảm thấy hổ thẹn trong lòng, liền cùng với đệ tử khác của Phật Thích Ca Mâu Ni là Mục Kiền Liên mang bộ quần áo ra bờ sông giặt giũ. Không ngờ, chiếc quần vừa mới thấm nước thì cả sông đột nhiên sóng lớn cuộn trào mạnh mẽ, dâng cao. Mục Kiền Liên vội vàng vận thần thông đem núi Tu Di ra trấn áp (núi Tu Di được xem là vua của các ngọn núi theo quan niệm của Phật giáo). Nhưng vẫn không thể trấn áp được sóng cả, hai người đành phải vội vã trở về báo với Phật Thích Ca Mâu Ni.

Lúc này, Phật Thích Ca Mâu Ni đang ăn chay nên nhẹ nhàng cầm một hạt cơm lên và nói với hai người: “Nước sông dâng cuồn cuộn là bởi vì Long Vương khen ngợi người nghèo có tâm nguyện tận lực quyên tặng, cứu tế. Các ngươi hãy cầm hạt cơm này đi, nó có thể trấn trụ được sóng lớn!”

Ananda cảm thấy kỳ quái liền hỏi: “Bạch thầy! Núi Tu Di cao lớn như vậy còn không trấn áp được sóng cả, một hạt cơm nhỏ bé như thế này làm sao có thể trấn áp được sóng lớn như vậy ạ?”
Phật Thích Ca Mâu Ni cười và trả lời: “Các ngươi cứ cầm đi thử đi, rồi sẽ nói sau!”

Ananda và Mục Kiền Liên nửa tin nửa ngờ cầm hạt cơm đi và ném xuống sông. Không ngờ, thoáng một cái mà cả con sông trở nên gió êm sóng lặng.
Hai người họ trong sâu thẳm thật sự không thể tưởng tượng nổi: “Chẳng lẽ sức mạnh của một tòa núi Tu Di mà không bằng một hạt cơm nhỏ bé sao?” Sau khi trở về, hai người họ lập tức thỉnh giáo Phật Thích Ca Mâu Ni.

Phật Thích Ca Mâu Ni lúc này mới nói rõ: “Một hạt thóc ban đầu được gieo trồng, trải qua tưới tiêu nước, bón phân, thu hoạch, chế biến, buôn bán…Tức là phải trải qua đủ loại sức lực và nỗi vất vả mới có thể tạo thành một hạt gạo. Công đức mà một hạt cơm ẩn chứa là vô lượng (không tính đếm được). Cũng giống như vậy, đối với hai vợ chồng người nghèo kia, bộ quần áo là tài sản duy nhất của họ, là toàn bộ gia sản của họ. Tâm lượng mà nó ẩn chứa cũng là vô hạn! Tứ Hải Long Vương hiểu được công đức của một hạt cơm và của bộ quần áo là to lớn như nhau, đều là do một niệm thành kính mà dẫn xuất ra, cho nên mới nhanh chóng nhượng bộ. Bởi vậy có thể thấy được rằng, chỉ cần một niệm thành kính thì một hạt cơm nho nhỏ hay một bộ quần áo rách cũng sẽ có sức mạnh lớn như một tòa núi Tu Di vậy!”

Về sau, có người đem chuyện này viết thành một lời hát trong kinh Phật để cảnh tỉnh con người: “Phật quan nhất lạp mễ, đại như tu di sơn; nhược nhân bất liễu đạo, phi mao đái giác hoàn.” (Tạm dịch: Phật xem một hạt cơm to lớn như núi Tu Di, nếu như con người không hiểu đạo lý này thì sẽ phải mang lông đội sừng để hoàn trả. Mang lông đội sừng ở đây ý chỉ là làm kiếp trâu ngựa.)

Mai Trà