Notification

×

Iklan

Nhờ hiểu Phật pháp, gia đình anh Nam đã ứng xử rất khoan dung

TT-TT - 18.2.15 Last Updated 2022-03-11T22:22:53Z
    CHIA SẺ
Không mấy ai trên cõi đời này có thể dễ dàng tha thứ cho kẻ đã gây ra nỗi đau thương mất mát cho những người thân trong gia đình mình, khi mà nỗi đau ấy đã vượt ra khỏi ngoài khả năng của sự chịu đựng một kiếp người - đó là sự sống và một cơ thể lành lặn.

Trong câu chuyện hôm nay, chúng tôi - những người ngồi trong phiên tòa hôm ấy đã rớm nước mắt khi còn bắt gặp một nghĩa cử cao đẹp hơn sự tha thứ đó nữa, điều ấy đã diễn ra giữa những con người, một bên là tội đồ, một bên là nạn nhân trong cùng một vụ việc.
Trong phiên xét xử của TAND Tp. Long Xuyên diễn ra ngày 14/2 vừa qua đối với tài xế Đỗ Công Vũ, người đã lái chiếc xe trộn bê tông gây ra tai nạn thương tâm cho gia đình anh Nguyễn Văn Nam và chị Nguyễn Thị Kim Ngọc là một phiên xét xử đậm nước mắt, những giọt nước mắt được rơi ra không chỉ đối với gia đình của anh Nguyễn Văn Nam- nạn nhân vụ tai nạn, cũng không chỉ những giọt nước mắt rơi trên gương mặt khắc khổ, bất thần của tài xế Đỗ Công Vũ; mà nước mắt còn được rơi trên nhiều khuôn mặt của những người đến tham dự phiên xét xử hôm ấy.

Bị cáo, tài xế Đỗ Công Vũ nhiều lần bật khóc trong phiên xét xử. Ảnh: NLĐO

Câu chuyện diễn ra vào lúc 9 giờ 10 phút ngày 25-10-2014 (đã có rất nhiều báo đưa tin), tài xế Vũ điều khiển ô tô BKS 67L-7755 chở bê tông tươi từ Công ty Bê tông Delta (trụ sở tại phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên) đến khu công nghiệp Bình Hòa, huyện Châu Thành. Do thiếu quan sát nên ô tô do Vũ điều khiển đã tông vào chiếc mô tô BKS 67H4-7837 do anh Nguyễn Văn Nam điều khiển và đang chở vợ là chị Nguyễn Thị Kim Ngọc mang thai chạy phía trước. Hậu quả, chị Ngọc chết tại chỗ, thai nhi trong bụng chị văng ra ngoài, anhNam dập nát bàn chân phải. Ngay sau đó cả gia đình anh Nam được người dân đưa đến bệnh viện Đa khoa An Giang, rồi chuyển lên Chợ Rẫy. Đến ngày 18/11 thì anh Nam và cháu bé ra viện, cả hai cha con mỗi người chỉ còn một chân.

Phía dưới gia đình anh Nam hướng ánh nhìn khoan dung theo dõi phiên xét xử  : NLĐO
Sau khi nghe xong bản cáo trạng, những phần xét hỏi của Hội đồng xét xử đối với bị cáo Vũ, đã có không ít tiếng sụt sùi từ phía dưới của những người đến dự. Bị cáo Vũ không giữ được sự bình tĩnh và thừa nhận rằng mình đã quá cẩu thả, không quan sát được phía trước, chỉ sơ suất đó thôi đã đưa đến sự đau thương cùng cực cho gia đình anh Nam. Nói xong, bị cáo quay xuống phía dưới nhìn gia đình nạn nhân, như muốn xích lại gần họ hơn; đáp trả lại những lần quay xuống của bị cáo, anh Nam cũng nhìn lại với một đôi mắt cảm thông, hiền từ.
Bị cáo quay lại nhìn gia đình bị nạn và cầu mong sự tha thứ Ảnh: NLĐO
Trong phiên xét xử hôm ấy, nhiều người đến dự còn tập trung chú ý vào một góc phòng, vị trí ngồi của vợ tài xế Vũ và hai đứa con trai đang nhìn ba nó trước vành mống ngựa, có lẽ trong cái hiểu biết non nớt ấy, chúng chưa hiểu tường tận những nỗi đau mà tất cả mọi người lớn đang gánh lấy. Nhưng chúng cũng rất may mắn khi ba của mình được hưởng sự độ lượng của gia đình anh Nam. Những hình ảnh ấy, đã làm cho mọi người thương cảm đến tột độ.
Vợ và hai đứa con nhỏ của tài xế Vũ trong phiên tòa hôm ấy - Ảnh: NLĐO
Có lẽ trong lúc này đây, khi mà người chết thì đã không thể sống lại, còn người sống với những vết thương lòng cũng không thể lấy sự thù hận làm phương thuốc giảm đau, là một chân lý và một nghệ thuật điều trị tâm bệnh mà Đức Phật đã từng dạy, đó là điều mà anh Nam cũng gia đình anh đã hiểu ra từ giáo lý nhà Phật.
Giờ đây, anh Nam thường xuyên lấy kinh ra đọc để hiểu hơn giáo lý nhà Phật, nhờ đó anh đã có thể đứng vững trước nỗi đau thương
Cách đây ít lâu, khi sức khỏe đã ổn định sau vụ tai nạn, anh Nam với một chân chóng nạng đã cùng gia đình chị Ngọc đến một ngôi chùa và nhờ quý thầy ở đây câu siêu cho vợ là chị Ngọc, chúng tôi có dịp trao đổi với anh về vụ tai nạn, anh cho rằng chắc là cái số, cái số như cách dùng từ của anh Nam trong Phật giáo gọi là Nghiệp, có lẽ anh Nam đã hiểu được và chấp nhận sự thương đau, và cũng có thể chính nhờ điều ấy đã giúp anh vượt qua sự đớn đau với một cái nhìn chấp nhận. Giờ đây, anh Nam tìm đến giáo lý nhà Phật để tìm sự bình an trong nội tại, hằng ngày anh đều đọc những quyển kinh Phật, thỉnh thoảng anh nhờ người quen đưa đến chùa lễ Phật, và xin thỉnh những quyển kinh luận về nhà đọc; có thể chính điều ấy đã giúp anh thanh thản và có cái nhìn “sắc không” giữa cuộc đời, và nhờ đó mà anh có cái nhìn rất nhân vị, khoan dung; Trong phiên xét xử hôm ấy, đã không ít lần người ta nhìn thấy anh với đôi mắt rất hiền từ trong mỗi cái ngước nhìn bị cáo Vũ.

Thỉnh thoảng, anh Nam lại đến chùa để lễ Phật, và nghe những lời chỉ dạy của quý thầy về cách điều chỉnh cảm xúc nội tại
Trong phần phát biểu, ông Nguyễn Văn Khoảnh (cha ruột chị Ngọc – vợ anh Nam) đã nói rằng: “Chúng tôi rất đau lòng khi cùng một lúc xảy ra nhiều nỗi đau trong gia đình, nhưng nỗi đau thì cũng đã xảy ra, chúng tôi không muốn nỗi đau này kéo dài và gây thêm sự đau đớn cho bất cứ ai nữa” – Khi những điều này nói ra, trong khán phòng im bặt mọi thứ âm thanh, để lắng nghe những lời ông Khoảnh nói, những điều mà không phải ai cũng nói được trong hoàn cảnh của ông, điều mà với một người đàn ông nông dân khắc khổ ấy lại nói ra mang một giá trị nhân văn cao cả.
Trao đổi với ông Khoảnh, ông cho biết: hoàn cảnh gia đình tài xế Vũ quá khó khăn, nên gia đình đã có đơn bãi nại gửi đến tòa, và đã trao số tiền 10 triệu đồng cho tài xế Vũ (số tiền do Công ty Bê tông Delta hỗ trợ gia đình nạn nhân), anh ấy còn 2 đứa con nhỏ và vợ không có nghề nghiệp ổn định.
Tình cảm ấy đã vượt lên những tình người thông thường, mà trong nhà Phật gọi là hạnh Bồ Tát.
Có lẽ bên kia thế giới, chị Ngọc đã có thể thanh thản và hài lòng với những gì gia đình chị ứng xử trong sự việc ngày hôm ấy.

Lệ Trí