Chùa tọa lạc ở rạch Cái Bèo, ấp 3, xã Bình Hàng Trung, tp. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. ĐT: 067.821357. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông. Chùa được xây dựng vào thế kỷ XVIII.
Nhiều tài liệu ngày nay cho biết chùa do Thiền sư Thiện Châu, đời 33 Thiền phái Lâm Tế khai sơn. Thiền sư Hải Huệ, đời 38 Thiền phái Lâm Tế đã cho đại trùng tu ngôi chùa, đúc đại hồng chung năm 1902.
Điện Phật có khá nhiều tượng thờ, được bài trí trang nghiêm. Trong khuôn viên chùa còn giữ 11 ngôi tháp mộ chư vị trụ trì tiền nhiệm. Cổng chùa được xây dựng năm 1992. Ngôi chánh điện được trùng tu năm 1994. Hàng năm, chùa tổ chức lễ giỗ tổ khai sơn HT Thiện Châu vào ngày 15 tháng 2 âm lịch.
Bài viết khác
Chùa Bửu Lâm còn được gọi là chùa Tổ Cái Bèo, hiện nay thuộc ấp III, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Mặc dù bị chiến tranh tàn phá, đã qua nhiều lần trùng tu, nhưng chùa vẫn còn giữ được nét nghiêm trang cổ kính; với dạng chữ tam, gồm ba dãy nhà ngang nối tiếp nhau như các chùa cổ khác ở Nam bộ. Chùa còn lưu giữ được nhiều câu đối khóan thủ mang tên chùa, nội dung ca ngợi Phật pháp cao siêu...
Trước khi bị chiến tranh tàn phá (1966), chùa Bửu Lâm có tất cả 7 nóc, xây cất bằng vật liệu nặng, gồm:
Chánh điện, nhà giảng và nhà tổ liền nhau với kích thưóc ngang 16m, dài 65m, Đông lang, Tây lang, mỗi nhà có kích thứơc ngang 16m, dài 21m, Nhà dưỡng tăng dài 14m, rộng 8 m, Nhà trù dài 18 m, rộng 12 m.
Hiện nay, chùa chỉ còn lưu giữ một ít di vật, xưa nhứt có lẽ là bảo tháp và long vị của tổ khai sơn. Long vị ghi: ”Tế thượng Chánh tông tam thập tam thế húy Tánh Nhẫn, thượng Thiện hạ Châu, đường thượng Tổ sư giác linh chi vị.”
Qua long vị và bảo tháp trên nhiều người cho rằng Bửu Lâm là một trong những ngôi chùa cổ ở đồng bằng sông Cửu Long, ra đời gắn bó với quá trình hình thành và phát triển của lịch sử địa phương, từ lịch sử khai hoang qua kháng chiến chống Pháp xâm lược Nam Kỳ đến kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ sau nầy. Chùa Bửu Lâm chẳng những là một di tích lịch sử-văn hóa, mà còn là một trung tâm truyền bá Phật giáo ở đồng bằng sông Cửu Long kế thừa và phát huy truyền thống gắn bó giữa đạo pháp và dân tộc của Phật giáo Việt Nam.