Notification

×

Iklan

Tiểu sử Hòa thượng thượng Định hạ Quang (1924-1999)

TT-TT - 3.11.23 Last Updated 2023-11-03T11:15:37Z
    CHIA SẺ

Hòa thượng thượng Định hạ Quang, Thành viên HĐCM GHPGVN - Phó Trưởng ban BTS Thành Hội Phật giáo Tp. HCM; Trưởng ban Thừa Kế Môn hạ - Tổ đình Thiên Thai. Viện chủ chùa Huỳnh Kim

Hòa thượng Thích Định Quang, sinh ngày 25 tháng giêng năm Giáp Tý (1924) tại ấp Bình Phú, xã Tân Bình Đông, huyện Lấp Vò, tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh Đồng Tháp) trong một gia đình uyên thâm y lý nho học, thuần thành tín mộ Phật pháp của cụ ông. Thân sinh của Hòa thượng là cụ ông Trần Văn Sự và cụ bà Nguyễn Thị Quơn, là người con thứ bảy của gia đình tám anh chị em họ Trần húy Văn Chỉnh.

Tuổi thơ bé, Thầy được gần bên phụ thân, bên cạnh ngôi chùa gia tộc Phước Long, như gần với sách vở y lý – nho học, đã hun đúc tâm hồn tuổi thơ sau trở thành hữu dụng. Ngôi chùa gia tộc giờ đã trở thành thân quen với Thầy trong những tháng ngày bên cạnh cha mẹ và gia đình. Duyên lành hội đủ, tâm Bồ đề phát khởi, chí nguyện xuất trần đơm hoa, năm 1941 Thầy được xuất gia tại chùa Phước Long với Hòa thượng thượng Hồng hạ Phước - trụ trì chùa Từ Quang, được bổn sư ban pháp danh Nhật Kiến, tự Không Tâm, đời thứ 41 dòng Lâm Tế Gia Phổ.

Năm 1944, được Hòa thượng bổn sư cho phép thọ giới Sa Di tại Giới đàn chùa Giác Hoa, huyện Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên. Cũng tại ngôi già lam này, năm 1948 được Hòa thượng bổn sư cho phép đăng đàn thọ Cụ túc giới. Việc học việc tu đang tiến triển từng ngày, hầu ngày mai nối chí Thầy Tổ, thì Hòa thượng bổn sư hóa duyên ký tất, trần duyên hoàn mãn, xả báo an tường – viên tịch. Thời điểm này, đất nước bị đang bị Thực dân xâm lược – đô hộ, nhân dân lầm than uất hận, lòng người căm phẫn, những phong trào kháng chiến giành độc lập cho dân tộc nổi lên khắp mọi miền đất nước. Trước cảnh nước mất nhà tan, cùng nỗi đau xa vắng Thầy Tổ, với sự quặn thắt trước thời cuộc của nước nhà, Thầy đã tham gia tổ chức Thanh niên Tiền phong và Phật giáo cứu quốc Nam bộ chống Thực dân đô hộ. Vừa tham gia kháng chiến chống giặc ngoại xâm, vừa cầu tìm học đạo, Thầy đã giã từ ngôi già lam Từ Quang trải qua các tòng lâm như Linh Thứu, Bình An, Phước Ân, Phong Hòa, Tân Long... tại mỗi trú xứ đều có lưu dấu sức lực đôi bàn tay của Thầy trong việc tu bổ - trùng hưng ngôi Tam bảo.

Năm 1950, được cầu pháp với Hòa thượng thượng Chơn hạ Thành tại chùa Bình An, Long Xuyên. Năm 1957 tham dự khóa Huấn luyện Trụ trì – Như Lai sứ giả do Giáo hội Tăng Già Nam Việt tổ chức đào tạo tại chùa Pháp Hội, Chợ Lớn – Sài Gòn. Duyên Phật bổ xứ, năm Kỷ Hợi – 1959 Thầy về trụ trì chùa Huỳnh Kim, nơi ghi đậm dấu ấn một đời hành đạo, tiếp Tăng độ chúng, giáo hóa mọi người của Thầy cho đến ngày xả bỏ huyễn thân.

Năm 1960, do Phật sự hoằng pháp và giáo dục Thầy cầu y chỉ với Hòa thượng thượng Minh hạ Đức - Trụ trì chùa Thiên Tôn, Quận 5, Chợ Lớn; tại đây, được Hòa thượng ban pháp danh: Tâm Chỉnh, hiệu: Định Quang đời thứ 43 dòng Từ Tế Thượng Chánh Tông thuộc Thiên Thai Thiền Giáo Tông. Và đã cùng Hòa Thượng y chỉ thành lập Phật học viện Minh Đức, lớp học đặt tại chùa Thiên Tôn, vào những năm đầu thập niên 1970 cho đến ngày thống nhất đất nước.

Do hoài bão đào tạo tăng tài, vì lợi ích, vì hạnh phúc của đồng bào Phật tử, Thầy đã không ngại gian nan, khó nhọc cùng cảnh ngộ thiếu hụt trước sau trong cảnh lau cỏ hoang vu, Thầy đã dốc tâm tận trí tu sửa, xây dựng ngôi nhà để có nơi có chốn ăn ở, tu học cho Tăng chúng, đồng thời mở phòng thuốc nam xem mạch cho thuốc giúp đỡ, chữa trị, hướng dẫn đồng bào đến với Phật pháp bằng phương tiện từ bi cứu độ.

Đầu năm 1961, Thầy khởi công xây dựng lại ngôi Tam bảo Huỳnh Kim trên nền ngôi chùa cũ và hai dãy đông – tây lang thay cho các ngôi nhà lá. Sau Pháp nạn 1963, công cuộc đấu tranh đòi tự do Tín ngưỡng – Bình đẳng Tôn giáo của Tăng tín đồ Phật tử Việt Nam thành công. Giáo hội Phật Giáo Việt Nam thống nhất được thành lập cho đến ngày giải phóng Miền Nam – thống nhất đất nước. Trong thời gian này Thầy được Giáo hội công cử vào các trọng trách Phật sự:
- Phó Tổng vụ Trưởng Tổng vụ Hoằng pháp
- Phó Tổng vụ Trưởng Tổng vụ Tài chánh Kiến thiết
- Đặc ủy Tăng sự tỉnh Gia Định
- Chánh đại diện Phật giáo tỉnh Gia Định

Năm 1964 thành lập Phật học Viện Huệ Quang, theo chương trình Trung đẳng chuyên khoa Phật học, đào tạo được ba khóa đến năm 1975, và Thầy làm Giám đốc Phật học viện. Năm 1969 tiến hành xây dựng thêm cơ sở Trường Trung Tiểu học Bồ đề Huệ Quang trong khuôn viên ngôi Tam bảo Huỳnh Kim, sau đổi là Phạm Ngũ; Trường Tiểu học Chi Lăng, và hiện nay là Trường Mầm Non Tường Vy. Thầy đảm trách nhiệm vụ Giám đốc để cùng với Ban Giám Hiệu trường lo công việc giáo dục – đào tạo nhân tài cho xã hội, cho đất nước.

Sau ngày giải phóng Miền Nam, ghi dấu bước ngoặc lịch sử của nước nhà, chấm dứt chiến tranh, hòa bình được lập lại, đất nước được thống nhất. Ban liên lạc Phật giáo yêu nước Tp. HCM được thành lập do quý Hòa thượng thượng Minh hạ Nguyệt, Hòa thượng thượng Thiện hạ Hào, Hòa thượng thượng Bửu hạ Ý lãnh đạo, Thầy được giao nhiệm vụ Trưởng ban liên lạc Phật giáo yêu nước Quận 11, Tp. HCM. Năm 1979 Thầy trở về quận nhà đảm nhiệm Phật sự Trưởng ban liên lạc Phật giáo yêu nước Quận Gò Vấp cho đến ngày thống nhất Phật giáo cả nước năm 1981.

Năm 1982, tại Đại hội Phật giáo Tp. HCM lần thứ nhất Thầy được cử làm Ủy Viên BTS – THPG Thành phố HCM kiêm Ủy Viên tài chính trong suốt ba nhiệm kỳ, đồng thời được Tăng Ni Phật tử quận nhà cung thỉnh vào ngôi vị Chứng minh cho Phật giáo quận, và tiếp theo là Chánh đại diện Phật giáo quận. Trong nhiệm kỳ 4 của Thành hội PG Tp. HCM, Thầy lại đảm nhiệm chức vụ Ủy viên Kiểm Soát và Trưởng ban Kiểm Tăng trực thuộc ban Tăng Sự THPG.Tp. HCM.







Năm 1990, Thầy cùng Hòa thượng thượng Thiện hạ Hào, Trưởng ban BTS – THPG.Tp khởi công trùng tu Tổ đình Thiên Thai, Thiên Bửu Tháp tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Tổ đình Thiên Tôn và Tháp Tổ tại Bình Định - nơi ghi lại di tích cuối đời hành đạo của Hòa thượng Tổ thượng Huệ hạ Đăng; Cùng lúc mở lớp học tình thương, thành lập Hội Tương Tế tại bổn tự và trùng tu hoàn toàn ngôi Tam bảo Linh Sơn Hải Hội di tích lịch sử thời kỳ kháng chiến cứu quốc tại phường 12 nay là phường 14, Quận Gò Vấp do cố Hòa thượng thượng Bửu hạ Đăng khai sơn, vị Tăng sĩ suốt đời dấn thân đấu tranh vì độc lập Dân tộc bị thực dân pháp xử tử.

Năm 1993, tổ chức Lễ đặt viên đá trùng tu bảo điện chùa Huỳnh Kim với sự Chứng minh của Hòa thượng thượng Thiện hạ Hào, Hòa thượng thượng Từ hạ Nhơn, Hòa thượng thượng Hiển hạ Pháp. Năm 1997, tại Đại hội Phật giáo Tp. HCM lần thứ 5, đã suy cử Thầy vào nhiệm vụ phó Trưởng ban BTS – Thành hội PG Tp. HCM, chứng minh Ban đại diện PG Quận Gò Vấp.

Cuối tháng 11 – 1997, tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ 4, Thầy được Đại hội suy tôn Thành Viên HĐCM Trung ương GHPGVN. Đặc biệt sau khi Hòa thượng thượng Thiện hạ Hào, Chứng minh Ban thừa kế tổ đình Thiên Thai xả báo an tường – thị tịch, Tăng Ni Phật tử, đệ tử chốn Tổ đình cung thỉnh Thầy vào vị trí Trưởng ban thừa kế môn hạ Tổ đình nhằm duy trì và phát triển chốn Tổ đình cho tới ngày về với Phật.

Năm 1999, Thầy cùng với chư Tôn đức trong Ban đại diện PG Quận Gò Vấp tổ chức Khóa An Cư Kiết hạ theo truyền thống cổ và dự kiến Khai giảng lớp Sơ Cấp Phật học Quận Gò Vấp vào ngày 19 tháng 9 âm lịch, nhưng Thầy đã không kịp thực hiện trong niềm tiếc thương vô hạn của Tăng Ni Phật tử Quận nhà và nhất là chúng đệ tử. Tâm nguyện tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức, cùng hạnh nguyện phục vụ chúng sanh là cúng dường Chư Phật vẫn miệt mài trên con đường duy trì và phát triển, thế mà duyên đã ký tất – thân nghiệp lại mãn, cùng bao công đức và hạnh nghiệp ghi đậm tinh thần tận tụy – cần mẫn của Thầy khi nhận được sự công nhận:

Bằng Tuyên dương công đức, bằng công đức của các cấp Giáo hội; Huy chương kháng chiến hạng nhì; Huy chương vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân; Huy hiệu Tp. HCM và nhiều bằng khen của UBND, UBMTTQ Tp. và địa phương đã trao tặng.

Cuộc đời và hạnh nghiệp của Thầy đã được xác chứng một cách rõ ràng qua bài kệ phú pháp của Hòa Thượng Bổn sư:

“Không sắc giai như bổn thị thiền
Tâm cảnh hàm vong định thủy kiên Chánh tà bất lập vi chân lý
Tánh đức viên minh vạn cổ truyền”

Bảy mươi sáu năm xuất hiện cùng đời, năm mươi sáu năm không quên chí nguyện: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” của Thầy mãi mãi là kim chỉ nam, là tấm gương sáng cho môn nhơn tứ chúng đệ tử chúng con thực hành, noi theo với tâm thành kính và phụng thờ: Sinh thời chí lập, ý quyết xuất trần, tâm nguyện thượng cầu hạ hóa. Trùng hưng Tam bảo, tu tạo Tòng lâm, mở trường Phật học, hộ đàn truyền giới, tiếp dẫn hậu lai, thuyết pháp độ sanh, người người nhờ ơn Phật pháp. Xuất thế tinh cần, nhập thế mẫn tiệp, ngôn hạnh bộc trực, từ bi bất quyện, tâm tùy thuận nghịch, dáng dấp bình dân. Tứ chúng một lòng phụng niệm cuộc đời và hạnh nguyện của Thầy:

Định huệ song tu hoằng dương Phật pháp vi cơ
Quang minh nhất đại kiến thiết tòng lâm thị nghiệp

Vào lúc 16 giờ 30 phút ngày mùng 07 tháng 9 năm Kỷ Mão (DL. ngày 15-10-năm 1999) Thầy viên tịch.

Nam Mô Từ Lâm Tế Gia Phổ Tứ Thập Nhất Thế húy Nhật Kiến tự Không Tâm hiệu Định Quang Trần Công Hòa Thượng Giác Linh Thùy từ chứng giám.

Nam Mô Chứng Minh Sư Bồ Tát ma ha tát tác đại chứng minh.